Sáng kiến giảm nhẹ rủi ro của các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về hóa học, sinh học, 
phóng xạ và hạt nhân (CBRN) do Liên minh châu Âu tài trợ (Ảnh: CBRN)

Hội thảo kéo dài 3 ngày bàn về những bước cuối cùng trong việc dự thảo KHHĐQG này là một phần của Sáng kiến giảm nhẹ rủi ro của các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân (CBRN) thuộc Liên minh châu Âu (EU) và đã quy tụ các đại diện đến từ các cơ quan chính phủ cũng như các đại diện của Liên minh châu Âu và Liên hợp quốc.

Tại sự kiện này, Tiến sĩ Dương Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân Việt Nam (VARANS) đã phát biểu khai mạc đồng thời tái khẳng định sự tham gia của Việt Nam vào việc giảm nhẹ các rủi ro của CBRN.

Trong phần khai mạc, đại diện của Liên minh châu Âu, bà Josephine McCourt đã chúc mừng Chính phủ Việt Nam về những bước tiến đạt được trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia quan trọng này và cũng nhấn mạnh vào sự tiếp tục hỗ trợ của EU trong lĩnh vực này.

Ông Harro Wittermans, Điều phối viên Khu vực Đông Nam Á thuộc Viện nghiên cứu Tư pháp và Tội phạm liên vùng của Liên hợp quốc (UNICRI) cũng đã nêu bật tiềm năng quan trọng của tài liệu Kế hoạch hành động đã được xây dựng thông qua chuỗi hội thảo này trong việc đưa ra hướng dẫn phân bổ các nguồn lực sẵn có cũng như trong việc hợp tác chặt chẽ với các đối tác khu vực và quốc tế để cùng đối phó với những rủi ro của CBRN.

Những mục tiêu chính của hội thảo này đó là để Nhóm CBRN Quốc gia, các chuyên gia trong nước và quốc tế đến từ UNICRI và Trung tâm nghiên cứu chung (JRC) của Ủy ban châu Âu tiếp tục triển khai công việc dựa trên kết quả đạt được tại các hội thảo trước, đồng thời khái quát hóa các hoạt động cụ thể nhằm củng cố năng lực và giảm nhẹ các rủi ro.

Mục đích tổng thể của Kế hoạch hành động quốc gia đó là xây dựng một tầm nhìn quốc gia về giảm nhẹ rủi ro CBRN và xác định các ưu tiên về xây dựng năng lực trong lĩnh vực này. Kế hoạch này cũng thúc đẩy việc xác định và thực thi các dự án và đảm bảo rằng việc xây dựng năng lực là một phần trong một cách tiếp cận có sự phối hợp và mang tính bền vững. Việc xây dựng Kế hoạch hành động này dựa trên một cách tiếp cận có tính tự nguyện và theo hướng từ dưới lên, do các quốc gia chủ động chỉ đạo triển khai và quyết định những thông tin nào sẽ được đưa vào KHHĐQG và chúng được sử dụng như thế nào.

Sáng kiến giảm nhẹ rủi ro của các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc về CBRN thuộc EU do Liên minh châu Âu tài trợ và được phối hợp triển khai cùng với Viện nghiên cứu Tư pháp và Tội phạm liên vùng của Liên hợp quốc (UNICRI) và Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu (JRC). Sáng kiến này được phát triển với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan, các nước thành viên EU và các bên liên quan khác thông qua một sự hợp tác chặt chẽ và hiệu quả ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Sáng kiến hiện có sự tham gia của 55 nước đối tác 8 khu vực trên thế giới./.

 

Kiều Giang