GS-TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai trả lời bạn đọc tại buổi giao lưu.
 (Ảnh: Lê Loan)


Theo Bộ KH&CN, với nguyên tắc hoàn toàn không hạn định số lượng, chỉ xét chất lượng, áp dụng cách bỏ phiếu thể hiện chính kiến công khai, 16 công trình vừa được Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đợt V lựa chọn được đánh giá xứng đáng là diện mạo KH&CN quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Trước khi được tôn vinh hai giải thưởng lớn này, các công trình đều đã thể hiện ý nghĩa thực tiễn và hiệu ứng xã hội rộng lớn.

Để tôn vinh các nhà khoa học, hiểu rõ hơn giá trị của các công trình đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH&CN đối với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, Báo Khoa học và Phát triển tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với các tác giả đoạt giải thưởng, gồm:

GS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” đạt giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016.

GS-TS Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, chủ trì cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu hiện đại trong hồi sức cấp cứu bệnh nhân nặng và ứng phó một số dịch bệnh nguy hiểm”, giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2016.

PGS-TS Mai An - đồng tác giả cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và đảm bảo đủ máu dự trữ cho điều trị”, giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016.

TS Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco), tác giả công trình “Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”, giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016.

TS-DS Nguyễn Thị Ngọc Trâm - chủ trì cụm công trình “Nghiên cứu về cây trinh nữ hoàng cung Việt Nam trong việc hỗ trợ chữa ung bướu”, giải thưởng Nhà nước về KH&CN năm 2010.

Tại buổi giao lưu, nhiều độc giả quan tâm đã gửi câu hỏi liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học và những công trình mà các nhà khoa học đoạt giải.

Quan tâm đến công nghệ lọc máu, chữa trị ung thư hiện nay, bạn đọc gửi câu hỏi đến GS-TS Nguyễn Gia Bình về công nghệ lọc máu hiện đại đã được chuyển giao và ứng dụng như thế nào và thành công từ cụm công trình của ông và cộng sự?

Trả lời câu hỏi trên, GS-TS Nguyễn Gia Bình cho biết: Hiện nay, ngoài những đơn vị tham gia nghiên cứu, các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại đã được Bộ Y tế thông qua và áp dụng trong toàn quốc. Gần 30 bệnh viện trong cả nước đã được chuyển giao và thực hiện thường quy các kỹ thuật này. Cụm công trình nghiên cứu của ông gồm 5 công trình: Nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật lọc máu liên tục trong hồi sức bệnh nhân nặng (nói nôm na là dùng các kỹ thuật lọc máu mới để loại bỏ bớt các chất độc do một số bệnh gây ra - như nhiễm trùng hoặc nhiễm độc) kết hợp áp dụng các biện pháp hồi sức khác và chữa trị nguyên nhân; Nghiên cứu về lọc và thay huyết tương trong điều trị một số bệnh tự miễn gây liệt cơ; Kỹ thuật hấp phụ phân tử tái tuần hoàn; Kỹ thuật lọc máu hấp phụ chất độc với cột than hoạt; Kỹ thuật lọc máu hấp phụ cytokine có hại ở bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1.

“Khi bắt đầu có ý định triển khai, chúng tôi hầu như không có gì trong tay. Để có kiến thức, kinh nghiệm, tranh thủ cơ hội ra nước ngoài, chúng tôi tìm đến những nơi đã có nhiều kinh nghiệm thực hiện các kỹ thuật lọc máu hiện đại để quan sát, học hỏi. Chúng tôi xin tham gia phụ giúp đồng nghiệp nước ngoài, xin tài liệu sách vở, về nước xây dựng quy trình báo cáo và được hội đồng khoa học bệnh viện  thông qua, ủng hộ” - GS Bình cho biết.

Về cụm công trình trình "Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu" của TS Hoàng Đức Thảo, một số bạn đọc gửi câu hỏi về tính hiệu quả của cụm công được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh của ông và cộng sự.

Theo TS Hoàng Đức Thảo, kết quả nghiên cứu của cụm công trình đã tạo ra công nghệ mới đạt trình độ tiên tiến quốc tế và khu vực trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Cụm công trình được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO); Tổ chức Chất lượng châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Sáng kiến sáng chế Hàn Quốc (SIIF) và nhiều tổ chức quốc tế uy tín công nhận.

"Chúng tôi đã góp phần thực hiện một cuộc cách mạng về KH&CN trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị (tiêu biểu có giải pháp hào kỹ thuật bê tông cốt thép đúc sẵn); hạ tầng kỹ thuật nông thôn (tiêu biểu có giải pháp kênh, mương hộp bê tông cốt thép, bê tông cốt sợi thành mỏng đúc sẵn), bảo vệ môi trường nước (tiêu biểu có thiết bị nạo vét hệ thống thoát nước) và phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng (tiêu biểu có giải pháp công nghệ cấu kiện lắp ghép bảo vệ bờ sông, hồ và đê biển). Thành công này đã giúp cá nhân tôi và doanh nghiệp nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế" - TS. Hoàng Đức Thảo chia sẻ./.

BL