Đây là lần đầu tiên học sinh Hà Nội tham gia chung kết cuộc thi lập trình sáng tạo khu vực Đông Nam Á
(Ảnh minh họa: HV STEM)
Các bạn học sinh tham dự cuộc thi năm nay có độ tuổi chủ yếu từ 9-14 đến từ các trường tiểu học và trung học của Hà Nội như: Vinschool, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Tất Thành, Thăng Long Kidsmart, FPT và Lomonoxop.
Thí sinh tham gia cuộc thi sẽ thực hiện các sản phẩm phần mềm từ ngôn ngữ Scratch để thiết kế trò chơi games, chương trình giải trí hoặc phim hoạt hình.
Chủ đề năm nay của cuộc thi là “Giao thông công cộng” (Public Transport), theo đó thí sinh cần thiết kế các sản phẩm lập trình chương trình ngắn nhất 25 giây và có kích thước lớn nhất là 25 MB theo đúng và cần thiết kế theo các nội dung: Âm nhạc và nhảy múa (Music and Dance), Trò chơi (Games), Kể chuyện (Stories).
Các sản phẩm lập trình sẽ thể hiện cho các ý tưởng của các em học sinh về việc làm sao để phát huy vai trò của giao thông công cộng, những lợi ích cũng như ý tưởng để cải thiện chất lượng dịch vụ hiện tại.
WeCode nằm trong chuỗi sự kiện Hội trại công nghệ số (Digital Campus) do Hiệp hội Y.O.U (Youth On Unity) tổ chức là cuộc thi lập trình quốc tế giữa các nhóm học sinh đại diện cho các trường Tiểu học, THCS tại các nước trong khu vực Đông Nam Á.
Năm 2015, cuộc thi quốc tế được tổ chức tại Malaysia với 136 đội đến từ 4 nước Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam có 14 học sinh đến từ trường Tiểu học Vinschool và trường THCS FPT đã đạt được thành tích ấn tượng.
Cuộc thi nhằm thúc đẩy niềm đam mê lập trình của học sinh, giúp các em nâng cao khả năng lập trình và xây dựng những kỹ năng khác về phân tích, giải quyết vấn đề, qua đó học sinh sẽ phát triển được kỹ năng tích hợp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM).
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật) và Math (toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng STEM) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày./.