Đại biểu Quốc hội tại nghị trường sáng 16/11. Ảnh: VA

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) về phương thức thi trắc nghiệm trong kì thi THPT quốc gia có ảnh hưởng gì đến chất lượng kỳ thi, việc dạy và học cấp phổ thông? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây là phương thức để kiểm tra kiến thức, còn nội dung, chương trình vẫn không thay đổi. Có thể thi tự luận, có thể thi trắc nghiệm, tùy thuộc vào mục đích và tính chất của kỳ thi. Đối với mục đích của kỳ thi này là kiểm tra kiến thức cơ bản của phổ thông, đảm bảo tính toàn diện, chống học tủ, học lệch và đảm bảo minh bạch, khách quan. Đặc điểm của kỳ thi này là kỳ thi có số đông, hàng triệu em, cho nên có rất nhiều hình thức thi, có thể thi tự luận, có thể thi trắc nghiệm nhưng phương thức nào cũng có một cái hay và hạn chế. Còn quyết định chọn phụ thuộc vào cái thuận lợi nhất và tốt nhất.

Về thi trắc nghiệm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ đã tham khảo ý kiến rất nhiều, đã tìm hiểu và phần lớn các chuyên gia đều đồng tình với phương án thi trắc nghiệm đánh giá được số lớn, hàng triệu em và đánh giá được toàn diện, không học tủ, học lệch. Thi tự luận chỉ đánh giá được một số vấn đề, giáo viên dạy chỉ tập trung vào các vấn đề đó, không chú ý đến các vấn đề khác nên phải chấn chỉnh. Phương thức này cũng đã được thực hiện nhiều năm.

“Kinh nghiệm quốc tế, các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... đều thực hiện như thế. Các nền giáo dục tiên tiến đều áp dụng phương thức đánh giá trắc nghiệm khách quan, không phải đưa câu hỏi ra vu vơ. Tuy nhiên, phải chuẩn hóa. Nếu áp dụng để thi học sinh giỏi trong mảng đó, có thể áp dụng thi tự luận nhưng đây áp dụng đại trà với số lượng học sinh lớn, phải công khai, minh bạch nên áp dụng thi trắc nghiệm” – Bộ trưởng dẫn chứng – “Trước đây, chúng ta đã mất rất nhiều thời gian và tiền bạc cho việc coi thi, chấm thi, gian lận... rất tốn kém nên đây là phương thức quá độ trong việc tiến tới một phương thức tối ưu nhất”.

Bộ trưởng cho biết thêm: Năm nay, có 25 em trong một phòng, mỗi em một mã đề thi riêng, đề khác nhau chứ không phải chọn khác nhau và những câu hỏi này, chúng tôi đã có kỹ thuật để chuẩn hóa, chấm bằng máy. Đây là một trong những vấn đề tôi rất quan tâm đến tính minh bạch, khách quan của kỳ thi. Thực tế chúng tôi đã kiểm tra Đại học quốc gia Hà Nội, các cháu làm bài rất tự giác và hào hứng.

Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, quá trình đổi mới kỳ thi rất nhiều, từ năm 1975, 1990, 2000, 2006 gần đây là thi “3 chung”. Trước năm 2015 về cơ bản thi “3 chung” có nhiều ưu điểm nhưng hạn chế ở đây theo tinh thần của Nghị quyết 29 cũng như Nghị quyết 88 của Quốc hội là phải đổi mới thi cử theo hướng nhẹ nhàng, giảm áp lực, đỡ tốn kém và khách quan. Hình thức thi cuối tháng 6 thì thi tốt nghiệp, đầu tháng 7 thi đại học, sau đó 3, 4 cuộc thi cao đẳng, rất tốn kém và nhiêu khê. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng một đề án theo tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết của Quốc hội là đổi mới thi với mục đích một kỳ thi 2 mục đích.

“Trong lộ trình, đổi mới nhiều các thang bậc, Bộ không muốn đưa vào, dồn vào tạo sốc cho xã hội mà trong quá trình hoàn thiện, mỗi năm hoàn thiện một chút theo hướng tiếp cận hợp lý. Đến năm 2016 đã có bước chuyển rất lớn là phương thức thi trắc nghiệm còn tới đây tiếp tục nhưng chỉ chủ yếu tập trung vấn đề kỹ thuật. Hiện nay, thi tập trung lớp 12 rất nhẹ nhàng. Đến năm sau mở rộng đến lớp 11, năm tới 2019 là lớp 10” – Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giải trình.

“Từ sang năm trở đi, có những sự điều chỉnh nhưng không phải đến mức thay đổi lớn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Mỹ Anh