Trao thưởng cho sinh viên vượt khó ở xã Tử Du, huyện Lập Thạch. Ảnh: QĐ

Được thành lập năm 2000, qua hơn 15 năm hoạt động, đến nay, Hội Khuyến học Lập Thạch đã thực sự là “hạt nhân kết nối” các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân cùng tham gia tích cực trong công tác khuyến học, khuyến tài. Thực hiện tôn chỉ “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát huy truyền thống hiếu học”, Hội đã thường xuyên tham mưu nhiều chủ trương, biện pháp giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác khuyến học, khuyến tài. Đến nay, Hội Khuyến học Lập Thạch đã có 33 hội cơ sở; 233 chi hội khuyến học thôn, làng; 60 hội khuyến học cơ quan, đơn vị với tổng số hội viên lên tới trên 57.600 lượt người. Bên cạnh các mô hình “Gia đình hiếu học”, “ Dòng họ hiếu học”, cộng đồng hiếu học… huyện Lập Thạch còn thí điểm thành lập chi hội khuyến học tại một số đình, đền, chùa trên địa bàn. Các mô hình trên đều được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 179 dòng họ hiếu học, gần 35.700 gia đình hiếu học. Kinh nghiệm rút ra từ thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài ở huyện Lập Thạch đó là phải được sự quan tâm thường xuyên của các tổ chức, các lực lượng và đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài ngay trong mỗi cá nhân, từng gia đình để tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội, cộng đồng dân cư - ông Hà Đình Nhã, Chủ tịch HĐND huyện Lập Thạch chia sẻ.

Qua tìm hiểu được biết, với đặc điểm của huyện miền núi còn nhiều khó khăn, mỗi dòng họ, gia đình hiếu học ở Lập Thạch dù hoàn cảnh, điều kiện khác nhau song cùng có điểm chung nhất đó là tinh thần hiếu học; mong mỏi con trẻ được học hành, thành đạt; quan tâm, động viên con cháu vượt khó học giỏi, nỗ lực phấn đấu vươn lên trở thành công dân có ích… Theo thống kê, trong những năm qua, các gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học trên địa bàn huyện Lập Thạch đã tăng lên nhanh chóng cả về số lượng cũng như chất lượng. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Khắc Thích (thôn Bắc Sơn, xã Sơn Đông), gia đình anh Trần Quốc Khoa (thôn Trại Diễn, xã Quang Sơn)… Trong số 179 dòng họ hiếu học của huyện Lập Thạch, hiện có 42 dòng họ hiếu học tiêu biểu như dòng họ Trịnh, dòng họ Trần ở xã Sơn Đông, dòng họ Ngụy ở xã Liễn Sơn, dòng họ Nguyễn Phúc ở xã Đình Chu, dòng họ Nguyễn Sâm ở xã Quang Sơn, dòng họ Khổng Đăng ở xã Tử Du…

Nét nổi bật nhất trong phong trào khuyến học, khuyến tài ở huyện Lập Thạch đó là việc tham gia chung tay đóng góp xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài luôn được các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng với những việc làm thiết thực. Dưới nhiều hình thức khác nhau, đến nay, tổng nguồn Quỹ Khuyến học, khuyến tài của huyện đã đạt trên 6 tỷ đồng. Trong đó, Quỹ do dòng họ quản lý là hơn 1 tỷ đồng; Quỹ do Hội Khuyến học, khuyến tài xã, thị trấn quản lý là gần 1 tỷ đồng; Quỹ do các trường học quản lý là trên 200 triệu đồng… Toàn bộ nguồn Quỹ đều được sử dụng để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển giáo dục; biểu dương, khen thưởng những đơn vị, tập thể, dòng họ, gia đình, cá nhân hiếu học tiêu biểu. Việc thu, chi của Quỹ Khuyến học, khuyến tài luôn có sổ sách rõ ràng và được kiểm tra, báo cáo thường xuyên. Cùng với việc quan tâm động viên tinh thần, ủng hộ tiền, hiện vật, phong trào giúp đỡ xây dựng trường học, đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn cũng được các cá nhân, tổ chức trên địa bàn huyện và con em Lập Thạch công tác xa quê hưởng ứng mạnh mẽ. Đến nay, định kỳ hàng năm Hội Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc đã tài trợ cho gần 320 học sinh là con hộ nghèo, 23 cựu giáo chức và 13 giáo viên đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Lập Thạch với số tiền khoảng 400 triệu đồng. Hội Đồng hương Lập Thạch ở thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 20 suất học bổng, trị giá trên 100 triệu đồng…

Với mục tiêu đưa công tác khuyến học, khuyến tài phát triển ngày càng sâu rộng trong cộng đồng xã hội, Hội Khuyến học Lập Thạch còn thường xuyên phối hợp, kết hợp cùng các tổ chức đoàn thể trên địa bàn như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… nhất là cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào thi đua tại các chi hội cơ sở. Đến nay, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều hoàn thành xây dựng Trung tâm Học tập cộng đồng. Giai đoạn 2010 - 2015, Hội đã cùng với các Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề tổ chức 3.200 lớp học với sự tham gia học tập của trên 22 vạn người. Hàng năm, Hội Khuyến học kết hợp với ngành Văn hóa và các cơ quan chức năng khác bình xét gia đình hiếu học, gia đình văn hóa; trao thưởng cho các em học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi học sinh giỏi các cấp; ... Dù giá trị phần thưởng chưa nhiều nhưng sự quan tâm của các cấp, các ngành, động viên của các bậc phụ huynh trong mỗi gia đình là nền tảng giúp các em học sinh, sinh viên trên địa bàn Lập Thạch nỗ lực vươn lên gặt hái được nhiều thành tích trong học tập.

Có thể thấy, với những cách làm đồng bộ, sáng tạo, công tác khuyến học, khuyến tài của huyện Lập Thạch đã thu hút được sự tham gia của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện. Phong trào thi đua học tập trong các dòng họ, các gia đình, giữa các thôn làng là nguồn động lực lớn để thế hệ trẻ Lập Thạch tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của quê hương; tích cực phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong quá trình học tập. Tuy còn những khó khăn nhất định về hoạt động của các hội cơ sở, nhưng việc đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài sẽ là cơ sở để huyện Lập Thạch có được những bước phát triển vững chắc về kinh tế xã hội trong tương lai không xa./.

Tạ Quang Đạo