Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng các thầy cô giáo và lãnh đạo Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam - Ảnh: Minh Châu
42 thầy giáo, cô giáo là những tấm gương xung kích, tình nguyện công tác tại các trường học trên đảo, nơi có điều kiện kinh tế khó khăn để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà về Hà Nội tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2016 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Tại buổi gặp mặt, các thầy cô giáo đã bày tỏ sự xúc động khi được gặp Phó Chủ tịch nước và chia sẻ niềm vinh dự, tự hào cũng như những khó khăn, vất vả trong sự nghiệp “trồng người” nơi hải đảo. Các thầy cô cũng bày tỏ quyết tâm bám đảo, bám trường, đem con chữ đến cho các em học sinh nơi tiền tiêu của Tổ quốc, mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cho công tác giáo dục và xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu. Mỗi năm, Nhà nước dành từ 20% ngân sách trở lên cho ngành giáo dục. Nếu như năm 1945, nước ta có đến 95% người mù chữ, số người được học và biết chữ chỉ có 5% thì hiện nay, cả nước có hơn 400 trường đại học, cao đẳng, bình quân có trên 200 sinh viên/1 vạn dân. Đây là sự phát triển vượt bậc của ngành giáo dục so với 70 năm trước.
Ghi nhận những lời chia sẻ đầy tâm huyết của các thầy cô giáo nơi hải đảo, Phó Chủ tịch nước cho biết, từ những vùng đảo trước đây còn hoang sơ nay đã được Đảng, Nhà nước đầu tư cơ bản về hệ thống cơ sở vật chất, điện nước quốc gia, hệ thống trường học. Đặc biệt, rất tự hào khi có những chiến sĩ hải quân, biên phòng, đội ngũ thầy cô giáo đã có mặt tại những vị trí tiền tiêu này.
Theo Phó Chủ tịch nước, mặc dù hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức khá; chính sách an sinh - xã hội, trong đó có văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được đầu tư lớn, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn. So với các nước công nghiệp và trong khu vực, Việt Nam vẫn còn thua kém. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ số hiện nay đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục phải vươn lên nhiều hơn nữa; trong đó chắc chắn ngành đóng góp cho sự vươn lên đó không thể không nói đến ngành Giáo dục. Đây chính là ngành phải thực hiện được ba nhiệm vụ, đó là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Chức năng này rất cao cả, nhưng cũng đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề, nhưng với trách nhiệm, tình cảm của các thầy cô giáo, ngành Giáo dục sẽ thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Phó Chủ tịch nước tin tưởng dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, các thầy cô giáo sẽ tiếp tục yêu nghề, bám trường; đồng thời tiếp tục dạy tốt, học tốt để góp phần nâng cao dân trí cho nhân dân Việt Nam, trong đó có vùng hải đảo./.