Đến Học viện Báo chí Tuyên truyền sáng 18/11 trong buổi lễ mít-tinh kỷ niệm 34 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), tôi gặp rất nhiều sinh viên Lào trong trang phục truyền thống, ai cũng rạng rỡ, hân hoan. Các bạn đã có nhiều ngày tập luyện và chuẩn bị cho tiết mục văn nghệ chúc mừng các thầy, cô giáo.
Cô Đỗ Mai Hương – Phó Trưởng phòng Quan hệ quốc tế trong trang phục truyền thống của Lào đã cùng một số thầy cô giáo và các em sinh viên Lào biểu diễn tiết mục múa hát liên khúc “Chiến sỹ công binh, Tình Việt – Lào, Cô gái Sầm Nưa”. Cô Mai Hương chia sẻ, cô làm công tác quản lý lưu học sinh Lào được 7 năm nhưng đã từng dạy học cho các em sinh viên Lào từ năm 1992. Quãng thời gian đó đủ để cô gắn bó và yêu quý các thế hệ sinh viên Lào sang học tập tại Việt Nam. Cô cho biết, các lưu học sinh Lào rất chăm chỉ và có tính kỷ luật cao. Tuy gặp rào cản về ngôn ngữ, nhưng các em đã rất cố gắng để có kết quả học tập tốt nhất.
Cô giáo Đỗ Mai Hương và sinh viên Lào Khăm Si Khammuong Khuon trong buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam sáng 18/11 (Ảnh: Kiều Giang)Thay mặt 92 sinh viên Lào đang học tập tại trường, sinh viên Khăm Si Khammuong Khuon (Khoa Xây dựng Đảng) đã gửi tới các thầy cô giáo những lời chúc tốt đẹp nhất, đồng thời bày tỏ lời tri ân sâu sắc tới các thầy, cô giáo đã giúp đỡ các bạn rất nhiều trong học tập cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Bạn cho biết, với lưu học sinh Lào, các thầy cô giáo ở Việt Nam không chỉ là những người thầy giảng dạy mà còn là những “người cha, người mẹ” khi các bạn học tập ở xa quê hương.
Cùng những chia sẻ về tình cảm với các thầy cô giáo, sinh viên Pepsiee Vongphakdy (Khoa Báo chí) cho biết: “Dù ở Lào hay Việt Nam thì thầy cô luôn là người dẫn dắt, giảng dạy tận tâm và nhiệt tình, luôn hướng học sinh trở thành một con người tốt. Đặc biệt là các thầy cô quản lý lưu học sinh Lào thì còn giống như người thân trong gia đình của chúng tôi khi ở Việt Nam vậy”.
Sinh viên Sonethi Vongbounkham (Khoa Báo chí) đã có 3 năm sinh sống và học tập tại Việt Nam chia sẻ: “Mỗi năm, em đều cảm nhận được Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày rất đặc biệt. Em đã có rất nhiều kỷ niệm với các thầy cô giáo. Nhất là mỗi dịp lễ hội, chúng em được tham gia giao lưu văn nghệ, được lên chúc mừng các thầy cô giáo. Và trong những ngày lễ quan trọng của Lào, các thầy cô giáo luôn nhớ và tổ chức liên hoan với sinh viên Lào chúng em, tặng quà và chụp ảnh với chúng em. Em cảm thấy rất may mắn khi được sang học tập tại Việt Nam”.
Các sinh viên Lào chuẩn bị các tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Ảnh: Kiều Giang)Khoa Việt Nam học – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng là nơi có nhiều sinh viên nước ngoài theo học. Chia sẻ với phóng viên, anh Leegyun Jae (Hàn Quốc), hiện đang học cao học ở trường cho biết, trước khi sang Việt Nam học tập, anh có 2 năm học tiếng Việt ở Hàn Quốc, sau này sang Việt Nam có thêm 1 năm rưỡi nữa để học tiếng. Thời gian đầu học, anh có nhiều lỗi sai về từ ngữ và đã được các thầy, cô giáo chỉ bảo rất tận tình, cởi mở. Những gì anh cảm nhận được từ các thầy cô giáo Việt Nam là sự gần gũi, thân mật với học sinh và anh rất xúc động vì điều đó. Cũng như ở Việt Nam, Hàn Quốc có ngày dành cho các nhà giáo, đó là ngày 15/5. Đây là dịp để học sinh bày tỏ sự kính trọng, biết ơn với các thầy cô giáo. Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, anh Leegyun Jae muốn chúc các thầy cô lời chúc sức khỏe và thành đạt.
Lần đầu tiên được tham dự Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sinh viên Tuấn Khải (Trung Quốc), đang học cao học tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho rằng: Ngày Nhà giáo Việt Nam là một ngày lễ rất quan trọng và đầy ý nghĩa đối với không chỉ giáo viên mà còn với cả các học sinh, sinh viên. Đây là ngày để mọi người thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”. Ngày Nhà giáo của Trung Quốc là ngày 10/9, tuy thời gian khác với Việt Nam nhưng hai ngày kỷ niệm này đều có ý nghĩa lớn, thể hiện lòng biết ơn của học sinh và sự coi trọng giáo dục, tôn trọng tri thức của người dân hai nước.
Đến từ những đất nước khác nhau và học tại những ngôi trường khác nhau, nhưng có một điểm chung giữa những sinh viên nước ngoài đang học tập tại Hà Nội, đó là họ đều nhận được sự giúp đỡ từ các thầy, cô giáo cũng như bạn bè Việt Nam trong học tập cũng như trong sinh hoạt hằng ngày. Khi được hỏi, các bạn đều chia sẻ rằng, tuy có nhiều khó khăn, rào cản (nhiều nhất là về ngôn ngữ) nhưng các bạn đều thích ứng nhanh với môi trường học tập mới nhờ sự giúp đỡ tận tình ấy. Những sinh viên này cho biết, được học tập và có những năm tháng trải nghiệm tại Việt Nam là một điều may mắn./.