Công tác giáo dục tại các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa luôn được cấp ủy, 

chính quyền các cấp ở Sơn La quan tâm. Ảnh QM.

Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục - đào tạo, với việc xác định năm học 2014 - 2015 là năm giáo dục vùng khó khăn, thông qua nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể, chất lượng giáo dục đại trà tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn của tỉnh Sơn La đã dần có những chuyển biến theo hướng tích cực.

Sốp Cộp là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh. Trong các chuyến công tác tại các xã biên giới của huyện Sốp Cộp, chúng tôi mới thật sự cảm nhận được những nỗ lực mà ngành Giáo dục của tỉnh Sơn La nói chung, đội ngũ cán bộ, giáo viên huyện Sốp Cộp nói riêng đã đật được trong việc phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào là người dân tộc thiểu số.

Tại những nơi này, mặc dù kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhưng hệ thống trường học đều đã được đầu tư xây dựng khang trang, còn rất ít cảnh học sinh ngồi học trong những phòng học tạm bợ, xiêu vẹo như những năm trước đây. Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Sốp Cộp cho biết: Tuy là huyện biên giới, song bằng việc huy động nhiều nguồn vốn từ ngân sách và xã hội hóa, Sốp Cộp đã tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ giáo dục, qua đó từng bước nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và huy động nhân dân đóng góp, Sốp Cộp hiện có trên 576 phòng học, (hơn 63% số phòng kiên cố), trên 226 nhà công vụ giáo viên (54% số phòng kiên cố). Trước thềm năm học 2016 - 2017, các trường đã tổ chức vệ sinh trường học, chỉnh trang khuôn viên, cảnh quan môi trường, đảm bảo xanh - sạch - đẹp; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên, phụ huynh học sinh tham gia đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và hỗ trợ cho học sinh trường bán trú; sửa chữa, nâng cấp nhà bếp, nhà ăn, chỗ ở cho học sinh tại 19 trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú trong năm học này... 

Cách đây vài năm, Trường Tiểu học Nậm Ban, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp chỉ là những ngôi nhà gỗ tạm bợ, xiêu vẹo. Trong giờ học nếu gặp mưa, lớp bị dột, cô và trò phải chạy vào nhà dân trú mưa, thì nay đã được thay bằng một ngôi trường khang trang, sạch đẹp. 

Thầy giáo Tòng Văn Nó - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Ban cho biết: Trước đây, tình trạng học sinh dân tộc thiểu số trong xã bỏ học diễn ra phổ biến. Nguyên nhân do nhận thức của các gia đình còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, trường học ở xa nên để con cái ở nhà đi nương, đi rẫy phụ giúp gia đình. Còn những năm gần đây, tình trạng học sinh bỏ học không còn xảy ra. Trong năm học mới 2016 - 2017, nhà trường đón trên 100 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trong xã đến học tập. Nhờ có những chính sách đầu tư của Nhà nước, học sinh được hỗ trợ theo học bán trú. Đây chính là điều kiện thuận lợi để nhà trường huy động tối đa số học sinh trong độ tuổi ra lớp, cũng qua đây mà tỷ lệ học sinh chuyên cần của nhà trường ngày một nâng lên.

Theo đồng chí Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn của tỉnh thường có địa bàn rộng, giao thông chia cắt nên việc đi lại vất vả đã ảnh hưởng tới việc học của các em học sinh. Tuy đã được quan tâm đầu tư song vẫn còn một số trường thiếu phòng học bộ môn, nhà công vụ, thiếu nước sinh hoạt; đời sống của đội ngũ giáo viên nhất là giáo viên mầm non ngoài biên chế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực chung, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đã tạo ra bước đột phá mới để hướng tới mục tiêu thu hẹp khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Từ năm 2014 đến nay, công tác huy động nguồn lực của xã hội đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn từng bước có hiệu quả. Chất lượng giáo dục đại trà vùng khó khăn có chuyển biến rõ nét. Công tác phổ cập giáo dục được nâng cao và duy trì bền vững. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau.

Hàng năm, phát huy vai trò lực lượng nòng cốt trong chăm lo phát triển giáo dục các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Sơn La đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị đặc biệt quan tâm các lớp đầu cấp nhằm giúp học sinh làm quen với điều kiện học tập, sinh hoạt, tiếp cận phương pháp dạy học và giáo dục trong nhà trường; tổ chức các hoạt động để tạo môi trường học tập gần gũi, thân thiện đối với học sinh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số và dạy học sát với kỹ năng, trình độ nhận thức của các đối tượng học sinh; chủ động mở các lớp chuyên đề nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn; tiêu biểu như các huyện: Phù Yên, Yên Châu, Sốp Cộp, Sông Mã và thành phố Sơn La.

Ngoài ra, các phòng giáo dục và đào tạo cũng chủ động tham mưu cho UBND huyện, thành phố cử cán bộ quản lý, giáo viên vùng sâu, vùng xa, khu vực khó khăn đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng chủ động bố trí, sắp xếp hoặc bổ sung hợp lý đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ chuyên môn giỏi, tâm huyết cho các trường vùng đặc biệt khó khăn… Bằng những biện pháp tích cực nói trên, giáo dục tại các vùng khó khăn của tỉnh Sơn La đã và đang có những chuyển biến đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.

Quang Minh