Ảnh minh họa (Nguồn: Duơng Ngọc/TTXVN)

 

Từ đầu năm 2016 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 3.917 trẻ nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Tại 2 bệnh viện: Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận từ 50 - 70 bệnh nhi nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết mặc dù mới đầu mùa dịch nhưng đã xuất hiện nhiều trường hợp mắc bệnh tay chân miệng biến chứng nặng độ 3 và phải thở máy. Đáng lưu ý, năm nay đa số trẻ mắc bệnh không có các triệu chứng điển hình như nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, khiến cả phụ huynh và bác sĩ đều chủ quan, nhầm lẫn sang các bệnh khác. 

Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bệnh tay chân miệng; đồng thời yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng các quận, huyện triển khai biện pháp phòng bệnh tại các trường học, đặc biệt là trường mầm non và tiểu học. 

Ngoài bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết cũng đang có chiều hướng gia tăng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận gần 13.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2015. Sở Y tế thành phố cũng cảnh báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết năm nay sẽ rơi vào khoảng cuối tháng 11, đầu tháng 12./. 

Đinh Hằng/TTXVN