Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm trong chuyến khảo sát hang Sơn Đoòng - một trong những dự án mới của Phòng Phim tài liệu Khoa học, Ban Khoa giáo, Đài THVN. (Ảnh: Tài Văn)
Sau cuộc gặp gỡ với đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm – Trưởng phòng Phim tài liệu Khoa học, Ban Khoa giáo – vào tháng 10/2013, khi anh vừa chiến thắng 3 giải thưởng tại LHP Việt Nam lần thứ 18 thì đây là lần đầu tiên trong năm 2014 VTV News có cuộc trò chuyện với anh. Cuộc nói chuyện lần này nhỏ gọn hơn nhưng vẫn là về những bộ phim anh làm – 3 tập phim Biển động (phát sóng trong tháng 5) và Lịch sử và lựa chọn vừa lên sóng.
Điểm chung của cả Biển động và Lịch sử và lựa chọn đó là đều nhận được những đánh giá cao của những người làm nghề cũng như những phản hồi tích cực của khán giả. 2 bộ phim được cho là nói lên những tiếng nói mạnh mẽ về sự kiện thời sự được quan tâm nhất trong thời gian qua – sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam cũng như những vấn đề có liên quan.
Người ta nói xem Biển động và Lịch sử và lựa chọn anh làm có cảm giác như đang xem phim do nước ngoài làm. Anh nghĩ thế nào về nhận xét này?
- Có thể do phim này chúng tôi sử dụng rất nhiều hình ảnh tư liệu nước ngoài. Có thể họ nhìn dưới góc độ đó. Cũng có thể người ta nhìn thấy tính khách quan và sự thật được nói tới trong phim xuất phát từ nhiều chiều. Trong phim có sử dụng những phỏng vấn của Nixon, của Nguyễn Văn Thiệu – những người đứng ở phía bên kia của cuộc chiến đã từng diễn ra trong quá khứ.
Chứ không phải do cách làm phim và tiếp cận vấn đề của anh khác?
- Sự khác biệt nhiều nhất nếu có, theo tôi, đó là Lịch sử và lựa chọn xuất hiện rất nhiều phỏng vấn. Khi mình đưa được các phỏng vấn từ nhiều chiều vào phim thì người xem sẽ thấy được vấn đề toàn diện hơn. Khi đấy lời bình của mình sẽ không phải làm cái việc mà các bộ phim trước đây vẫn hay làm. Tôi nghĩ có thể cả lý do đó nữa.
Nhưng tôi nghĩ gần đây, càng ngày phim Việt Nam càng có nhiều những bộ phim mà cách tiếp cận, tâm thế, cách dẫn dụ câu chuyện tương đối gần với thế giới.
Cách làm phim như thế này có phổ biến tại Việt Nam không, thưa anh?
- Nếu chúng ta xem bộ phim Chiến tranh Việt Nam, những hình ảnh chưa được biết của Daniel Costel hay những bộ phim về chiến tranh thì đây là một cách làm không xa lạ.
Nói về 3 tập phim Biển động và Lịch sử và lựa chọn. Tại sao Lịch sử và lựa chọn lại không phải là sự tiếp nối mà lại có độ lùi hơn về mặt lịch sử như vậy?
- Biển động nói về một sự kiện diễn ra trên Biển Đông trong những ngày tháng 5 – sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép vào vùng biển của Việt Nam. Sự kiện ấy là một điểm trên một quãng đường mà quãng đường ấy là quãng đường chạy từ trong quá khứ. Đấy là một quãng đường của lịch sử đã diễn ra của Việt Nam.
Tên của bộ phim cũng đã nói lên một phần của vấn đề, đó là lịch sử và lựa chọn và lịch sử đấy là một lịch sử có tính chu kỳ ở chỗ cứ một khoảng thời gian Việt Nam lại đứng trước một sự xâm lăng, gây hấn hay cả một cuộc tấn công ồ ạt. Tính chu kỳ ấy thể hiện một bộ mặt của lịch sử nhưng cũng tạo ra những lựa chọn tất yếu cho người Việt Nam, Chính phủ, Nhà nước Việt Nam.
Nếu Biển động là một điểm trên chặng đường thì Lịch sử và lựa chọn là cách nhìn bao quát, giúp khán giả thấy một phần nào đó – một phần tương đối quan trọng - ở dưới bề mặt của tảng băng diễn ra trong cả một quá trình dài như thế nào. Từ những âm mưu, từ những phản ứng và từ cả những cái bắt tay sau lưng trong những vấn đề của Việt Nam trên thế giới.
Nếu mình đảo ngược lại, Lịch sử và lựa chọn phát sóng trước Biển động thì sẽ như thế nào?
- Câu chuyện sẽ không khác biệt lắm. Có thể so sánh như thế này, Lịch sử và lựa chọn giống như một hệ điều hành và Biển động là một phần mềm chạy một chương trình riêng biệt trên hệ điều hành đó. Câu chuyện của Biển động diễn ra trong một tiến trình lịch sử và trong một chuỗi dài và nó nói về một tọa độ trong cả chặng đường. Còn Lịch sử và lựa chọn là câu chuyện có độ lùi mà ở đó người ta tìm ra được nền tảng mà tọa độ của Biển động nằm ở trên.
Nếu có sự khác biệt thì là về tính thời điểm. Ở thời điểm này người ta sẽ không còn coi những va chạm trên Biển Đông là thời sự nữa, những câu chuyện người ta muốn biết là liệu có hằng số gì đó trong những toan tính của phía nước ngoài và sự kiện Hải Dương 981 có phải là nền tảng hằng số để tạo ra thêm những câu chuyện hạ đặt tiếp nữa hay không? Người ta có quyền đặt ra những câu hỏi đó vì đơn giản là trước khi có Hải Dương 981 thì đã có rất nhiều chuyện đã xảy ra trước đó - từ Hoàng Sa, Gạc Ma, từ 1979 và thậm chí là cả thời gian Bắc thuộc trước đó. Đã có rất nhiều sự va chạm, thậm chí là xâm lấn xảy ra trên đất nước Việt Nam và người ta có quyền đặt ra những câu hỏi như liệu có còn xảy ra tiếp nữa không?
Lịch sử và lựa chọn đã tìm cách trả lời cho người ta một phần câu hỏi, rằng đã có chuyện đó xảy ra, những toan tính trong từng thời điểm như thế và với tương lai sẽ ra sao, cách vận động của thế giới sẽ như thế nào. Rất có thể nó sẽ xảy ra tiếp chứ không dừng lại.
Anh đã sử dụng tới hình ảnh những cơn bão, những vụ tai nạn máy bay trong phim này. Sự liên hệ này có thể hiểu như thế nào?
- Chúng tôi đưa chi tiết những cơn bão, những vụ tại nạn máy bay trên thế giới để cho thấy trên một thế giới tưởng như có núi có sông ngăn cách nhưng càng ngày càng phẳng. Con người ta cần hiểu rằng ở bất kể vùng nào trên thế giới nếu xảy ra một câu chuyện - dù nhỏ hay lớn - thì tác động của nó không đơn thuần nằm ở quốc gia đó mà nó sẽ có những ảnh hưởng đến rất nhiều nơi trên toàn cầu. Do đó, với một hiểm họa xảy ra với Việt Nam thì rõ ràng nó không chỉ đến với Việt Nam và thực tế chúng ta đã thấy được những phản ứng của công luận trên toàn thế giới như thế nào trước câu chuyện của Việt Nam cũng như những lựa chọn đi đến chính nghĩa của Việt Nam.
Điều gì hấp dẫn anh ở những đề tài như thế này?
- Với cá nhân tôi, những câu chuyện xảy ra trong lịch sử Việt Nam được nhìn theo nhiều chiều luôn là điều cuốn hút. Nếu mình làm phim về đề tài đó thì mình lại càng có thêm điều kiện để chạy câu chuyện theo trình tự của mình cũng như cách nhìn của mình về thời điểm đó. Tất nhiên, mình không được quyền hư cấu cũng như không được quyền làm sai lệch đi nền tảng của sự thật.
Anh thường lựa chọn đề tài dựa trên yếu tố nào?
- Nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên đó là công việc của tôi. Thứ 2 là sở thích. Tôi nghĩ ở mảng phim tài liệu nói chung và khoa học nói riêng thì độ mênh mang về đề tài rất lớn. Có những đề tài kích thích mình, nó cho phép mình được bay bổng theo và được quyền lựa chọn. Thứ 3 là hiểu biết của cá nhân với đề tài đó như thế nào.
Với hai tác phẩm vừa rồi, như Trưởng Ban Khoa giáo - nhà báo Đỗ Quốc Khánh - nói thì khi nhìn một vấn đề thời sự trên góc độ của người đưa tin chúng ta sẽ có cách nhìn khác và một người làm Khoa giáo sẽ có cách nhìn khác. Trên thế mạnh của chúng tôi, những người làm Khoa giáo, khi tiếp cận với một sự kiện đang xảy ra chúng tôi có một hạ tầng cơ bản liên quan đến sự kiện, nó cho phép chúng tôi có những móc nối mang tính đa ngành và mang tính đa thời gian, đa chiều. Đấy là thế mạnh riêng của chúng tôi trong việc tiếp cận với những bộ phim mang tính thời sự.
Sau Lịch sử và lựa chọn sẽ có thêm những tập phim khác?
- Tôi nghĩ sau Lịch sử và lựa chọn sẽ xuất hiện những khó khăn. Chúng tôi sẽ phải đi lựa chọn những sự kiện lịch sử gì để chúng tôi làm tiếp.
Vậy, những phản hồi rất tích cực của người xem về bộ phim có thôi thúc anh với những đề tài tương tự hay không?
- Khi tôi làm 3 tập phim Biển động tôi không nghĩ mình sẽ làm thêm Lịch sử và lựa chọn, nhưng qua một thời gian với tất cả những va đập của Biển động và những câu chuyện của truyền thông cũng như các chuyên gia... đã đưa đến cho tôi điều kiện để tôi xâu chuỗi những câu chuyện đó lại và tôi nghĩ đưa ra bộ phim như thế vào lúc này là hoàn toàn phù hợp.
Đôi khi phim tài liệu tìm được đề tài còn do vấn đề va đập với những phản hồi của khán giả cũng như tính sự kiện của thời cuộc có đủ thúc đẩy mình lựa chọn hay không. Tôi không thể nói trước mình sẽ làm hay không làm nó nữa.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Quý vị độc giả có thể xem lại tập phim Lịch sử và lựa chọn trong Video dưới đây: