MC Lê Anh: "Tôi muốn là người chỉ đường cho học trò"

ĐLNA-Thứ tư, ngày 20/11/2013 07:03 GMT+7

 “Tôi muốn học trò nhớ tới mình như một người chỉ đường hơn là một người dạy kiến thức” – MC Lê Anh chia sẻ với VTV Online trong ngày đặc biệt - ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Đối với khán giả xem truyền hình, Lê Anh được biết tới nhiều trong vai trò một người dẫn chương trình truyền hình, tên tuổi anh được gắn liền với những chương trình như Robocon, Con đường Âm nhạc… Tuy nhiên, ngoài vai trò này, Lê Anh còn đảm nhận một vai trò rất quan trọng khác - giảng viên Đại học và Phó chủ nhiệm khoa Du lịch của ĐH KHXH và Nhân văn. Và khác với những cuộc phỏng vấn đã từng thực hiện với VTV Online, câu chuyện với Lê Anh hôm nay – trong ngày nhà giáo Việt Nam – sẽ chỉ dành riêng để nói về ngày lễ đặc biệt này cũng như về mối quan hệ thầy trò ngày nay.

‘ MC - thầy giáo Lê Anh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Mọi người đã quen với anh trong vai trò người dẫn chương trình trên truyền hình, vậy Lê Anh giảng viên Đại học và Phó chủ nhiệm khoa Du lịch của ĐH KHXH và Nhân văn là người như thế nào?

- Một người tương đối yêu nghề, tận tình, cầu toàn trong chuyên môn, gắn bó với các hoạt động của sinh viên, đam mê nghiên cứu khoa học, đi trong sân trường luôn tay nhắn tin điện thoai, dáng đi vội vã, không để ý nhiều xung quanh, ăn mặc và đầu tóc hơi tuềnh toàng so với khi lên hình… Nói chung đứng chung thang máy với sinh viên thì dễ bị nói là "bạn bấm cho tớ tầng 4...". (cười)

Một giảng viên thường xuyên lên truyền hình là thuận lợi hay không thuận lợi khi anh giao tiếp với sinh viên? Họ có đối xử với thầy Lê Anh khác hơn những giảng viên khác?

- Có đấy! Họ kỳ vọng nhiều nên mỗi giờ lên lớp tôi cũng buộc mình phải "xuất thần". Hôm nào không “xuất thần” được thì tự mình ấm ức, dù hiệu quả bài giảng thì không đến nỗi nào. Vui nhưng mà cũng "mệt" (cười).

Ngoài ra, sinh viên cũng có người e ngại khi thầy giáo làm MC như tôi, họ sợ thi vấn đáp mà tôi hỏi thi, rồi đổ tội cho việc thuyết trình chưa thành công là do tôi có mặt ở đó (!).

Tôi thấy anh hay tham gia những chuyến đi cùng sinh viên, vậy những chuyến đi mang đến cho anh cảm xúc như thế nào?

- Nó cho tôi cảm giác mới mẻ, vì quan sát và hướng dẫn những tuyến điểm du lịch - dù đã quen thuộc với tôi, cho tôi những cảm xúc thật, tươi mới, những trải nghiệm rất đặc trưng của thanh niên... Tôi hào hứng khám phá hành trình đó. Nhiều khi, đón nhận một câu hỏi ngô nghê kiểu "cây gì đây" mà trả lời là "cây Đương Bền" hay "cây Câu Bền”… cũng thành kỷ niệm vui. Tất nhiên những ví dụ đơn giản như thế bây giờ không thuộc về sinh viên thế kỷ 21 nữa. Họ "quái" lắm.

Quái như thế nào?

- Thông minh và già dặn hơn, ý tôi muốn nhấn mạnh là những cái ngây thơ kiểu như ví dụ đó của một thời thì bây giờ không còn nhiều nữa. Sinh viên cũng biết cách "khai thác" giáo viên kể cả khi người đó là "mỏ lộ thiên" hay không. Ngoài ra, tôi cũng thấy sinh viên bây giờ thiên về cả hai thái cực: tinh tế, chín chắn hơn và kể cả...ngơ ngẩn hơn, một cách đa sắc màu.

Đây cũng là một phần lý do anh gắn bó với công việc của một giảng viên?

- Tôi không cố gắng cắt nghĩa vì sao lại gắn bó với nghề này. Nhớ lại, lúc đầu thì học ngoại giao và báo chí, tôi một sự hy hữu đưa mình dạt vào khoa du lịch, rồi chiều bố mẹ mà ở lại trường khi Nhà trường ưu đãi giữ lại thủ khoa, rồi từng bước làm quen với bục giảng, nghiên cứu khoa học, những chuyến đi... rồi thích và thế là gắn bó.

Đương nhiên, sinh viên và những sắc màu họ tạo ra là một phần bức tranh cuộc sống của tôi. Nó là một mảng màu không trội nhưng đáng chú ý.

Nói như vậy là anh đã không lựa chọn nghề giảng dạy trong khởi đầu sự nghiệp của mình?

- Đúng vậy. Tôi không có ý định làm thầy giáo, đi học là chỉ đi học thôi nhưng trong quá trình học thì được nhà trường xếp vào danh sách quy hoạch, những sinh viên có khả năng học tốt được giữ lại làm giảng viên. Dù không lựa chọn nhưng tôi thấy đấy là một công việc hay, không chán nên cũng phấn đấu. Đến bây giờ tôi đã đứng trên bục giảng được 13 năm.

‘ Vậy sau 13 năm làm nghề, điều anh thích nhất khi đứng ở vị trí giảng viên là gì?

- Khi đã đứng trên bục giảng, có nhiều quan điểm về nghề này của tôi thay đổi. Mục đích chinh phục đỉnh cao tri thức trong những giờ lên lớp không còn quan trọng nữa. Việc chinh phục những người nghe cũng không còn quá trọng vì nghề của tôi là nghề nói. Tôi phát hiện ra rằng điều then chốt nhất trong nghiệp làm thầy là mình phải tạo được cảm hứng cho người học để người học tự chinh phục đỉnh cao tri thức mà họ mong muốn. Khi mình làm được việc đó mình không sa vào cái gọi là thợ dạy hay thợ giảng, mình cũng sẽ không thấy áp lực về việc nhồi nhét kiến thức cho học trò nữa. Điều mình dạy là phương pháp, là định hướng, là mình tạo cho học trò của mình cảm giác về sự lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai.

Quan hệ thầy trò bây giờ đã khác biệt hơn trước đây. Cá nhân anh thấy sự khác biệt đó nằm ở chỗ nào?

- Hành vi giao tiếp hàng ngày, ứng xử giữa thầy trò đương đại bây giờ khác ngày trước, không còn cái quỵ lụy, khúm núm, lễ phép một chiều, cái nhất nhất tuân theo theo khái niệm lễ phép ngày xưa nữa. Bây giờ môi trường bình đẳng hơn, trong đó người thầy cung cấp tri thức, phương pháp và gần như một người bạn với học trò. Còn học trò chủ động đi học và tìm kiếm phương pháp học với sự trợ giúp của giáo viên. Học trò bây giờ rất khách quan, công bằng và mối quan hệ thầy trò bây giờ, đặc biệt ở bậc ĐH, khách quan hơn, bình đẳng hơn, rõ ràng hơn và cũng sòng phẳng hơn trước.

Tôi nghĩ mỗi một giáo viên chỉ mang đến cho người học trò một mảng miếng nào đó thôi chứ không có ai lại tự nhận cho mình thiên chức bảo hộ cho cả sự phát triển của một học trò cả. Người giáo viên cũng không nên tự mình mua cho mình chức phận ấy mà gây áp lực cho chính cuộc sống của mình.

Vậy anh muốn học trò của mình nhớ tới mình là một người thầy như thế nào?

- Tôi muốn học trò nhớ tới mình như một người chỉ đường hơn là một người dạy kiến thức.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước