"Mong muốn của tôi chỉ là làm công việc của một nhà báo tử tế" - Phóng viên Bạch Hoàn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Điều đầu tiên phóng viên Bạch Hoàn nói khi bắt đầu cuộc phỏng vấn với VTV News là cô đã có kinh nghiệm 7 năm đi phỏng vấn người khác, nhưng đây là lần đầu tiên cô trở thành người bị hỏi. Cô cười khi tôi hỏi cảm tưởng của cô như thế nào với một câu trả lời ngắn gọn: “Căng thẳng phết”.
Cuộc trò chuyện, tất nhiên, được bắt đầu với những câu chuyện liên quan đến phóng sự khai thác vàng lậu ở Khe Đương – lý do khiến VTV News tìm đến Bạch Hoàn. Tôi hỏi cô cuộc điều tra của cô đến đâu rồi và liệu cô có còn tiếp tục?
Bạch Hoàn trả lời: “Hiện tại Bộ Tài nguyên và môi trường đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố Đà Nẵng thực hiện đánh giá, khảo sát trữ lượng tài nguyên khoáng sản ở khu vực Khe Đương. Kết quả khảo sát sau đó như thế nào sẽ được Bộ đánh giá lại. Nếu trữ lượng lớn thì sẽ báo cáo Thủ tướng đưa vào quy hoạch quốc gia. Trữ lượng phân tán, nhỏ lẽ thì sẽ giao cho địa phương quản lý và cấp phép khai thác”.
“Tôi được biết là cuối tuần trước, một đoàn kiểm tra ở huyện Hòa Vang đã lên truy quét nạn khai thác trái phép ở Khe Đương. Chúng tôi sẽ vẫn theo đuổi vụ việc này dưới góc độ diễn biến quá trình đánh giá trữ lượng mỏ vàng, khôi phục môi trường ở Khe Đương cũng như nạn khai thác trái phép ở đây như thế nào, có được xử lý hay không”.
Nói một chút về việc phát hiện đề tài. Mọi việc đã được bắt đầu như thế nào?
- Trước khi lên Khe Đương tôi đã có hai tuần để tìm hiểu. Thông tin được biết qua một nguồn tin ở Đà Nẵng. Họ có bạn bè, người nhà từng lên Khe Đương và theo các tin đồn có người trúng vàng ở đó.
Lý do gì và điều gì thôi thúc ở thông tin đó khiến chị quyết định thực hiện phóng sự?
- Họ nói ở Khe Đương đang có tình trạng ồ ạt khai thác vàng. Có thời điểm đã có cả ngàn người ở cả miền Bắc lẫn miền Trung đổ xô về đây đào vàng. Vấn đề là ở thời điểm đó, mỏ vàng này chưa được cấp phép khai thác cho bất cứ doanh nghiệp nào cả. Công ty Trường Sơn là doanh nghiệp đã từng khai thác ở Khe Đương, nhưng từ đầu năm 2014 giấy phép đã hết hạn, Đà Nẵng không gia hạn cho doanh nghiệp này nữa. Trong khi ở Khe Đương chỉ là khai thác lậu mà không phải người nào cũng làm thủ công. Một số nhóm khai thác có máy móc chạy ấm ầm cả đêm.
Theo tôi tìm hiểu, nếu một doanh nghiệp được cấp phép khai thác thì nhân lực của họ cũng chỉ trên dưới 200 người. Vậy nhưng, theo nguồn tin của tôi, có thời điểm số người khai thác trái phép ở Khe Đương lên đến cả ngàn người. Với tình trạng như vậy, chẳng mấy chốc Khe Đương sẽ tan hoang, tài nguyên quý của quốc gia sẽ bị chảy máu và nhà nước thì không thu được đồng thuế nào. Đó là chưa kể đến việc môi trường còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đó là những lý do khiến tôi và các đồng nghiệp quyết tâm thực hiện phóng sự. Mong muốn duy nhất là góp phần nào đó để hạn chế sự chảy máu tài nguyên và để cho những người khác nếu có ý định lên Khe Đương sẽ thấy rõ được bức tranh thực tế ở đó. Nó không hề lấp lánh như họ nghĩ.
Trong suy nghĩ của tôi, những bãi khai thác vàng thường gắn với máu, với sự chém giết, không luật lệ… Với chị thì như thế nào? Thực tế khi chị đến đây có khác nhiều so với những hình dung của chị trước đó?
- Trước khi đến đây tôi đã dành cho mình một khoảng thời gian tìm hiểu khá dài, mỗi ngày lại tích lũy một chút nên về cơ bản, tôi đã có những hình dung “hòm hòm” về Khe Đương. Đó là nơi tập trung đủ kiểu người trong xã hội – phức tạp nhưng có luật lệ riêng, có những ranh giới không được bước qua, có những vùng đất, những hầm vàng bị biến thành của ai đó mà không phải người của họ thì không được vào… Trong các hầm khai thác thì không có hệ thống cột chống để đảm bảo an toàn và họ sử dụng mìn để khai thác.
Tuy nhiên, điều tôi không thể hình dung được là cuộc sống của những phu vàng lại kinh khủng như thế, sự nguy hiểm với tính mạng của họ lại đến mức là sống ngày nào biết ngày đó. Tôi cũng không nghĩ có những đoạn hầm khó đến mức tôi phải bò mới đi qua được. Vậy mà một ngày 4 lần những phu vàng vẫn bò qua bò lại đoạn hầm ấy. Tôi không hình dung được sự sống và cái chết nó lại mong manh đến thế.
Trong cuộc trò chuyện của chị tại Bản tin Tài chính Kinh doanh, chị nói lãnh đạo của VTV24 và ê-kíp đã bàn bạc việc thâm nhập ra sao. Nhưng khi đến nơi, thực tế có giống như bàn bạc? Tôi muốn hỏi về vụ nổ mìn, nó quá nguy hiểm!?
- Lãnh đạo Trung tâm luôn nhắc nhở là làm gì cũng phải đặt sự an toàn lên trên hết, không được liều lĩnh. Vụ nổ mìn chúng tôi được biết trước nhưng việc vào hầm có gài mìn ở trong đó có phần rủi ro hơn so với dự tính ban đầu của chúng tôi. Chúng tôi dự tính đi vào khi phu vàng đang khoan mìn thì sẽ không phải quá lo lắng việc mìn nổ, nhưng điều không lường trước được là đoạn hầm đi vào quá khó khăn. Chúng tôi đã phải một lần quay trở ra. Tuy nhiên, khi bị chính cái quyết tâm là muốn có được những hình ảnh bên trong đoạn hầm cóc cài mìn đó nên chúng tôi đã quay lại. Chúng tôi chấp nhận bò vào để ghi hình khoan mìn. Không ngờ là trong khoảng thời gian đó họ đã khoan xong và ra ngoài rồi.
Nói như vậy là chị đã cãi lời lãnh đạo khi liều mình vào đó ghi hình?
- (cười) Không hẳn là cãi mà chỉ là tình huống bất ngờ. Mọi thứ bên ngoài trường quay vốn luôn sống động và bất ngờ chứ không bao giờ đúng như những gì chúng ta ngồi ở nhà và hình dung về nó. Nhà báo phải là người xử lý tất cả những tình huống ở hiện trường. Nếu khi ấy mà chờ xin ý kiến chỉ đạo thì có lẽ chúng tôi không thực hiện được vệt phóng sự vừa rồi.
Suy nghĩ đầu tiên của chị khi thực hiện xong đoạn ghi hình ấy là gì?
- Tôi đã thở được rồi.
Hỏi thật nhé, nếu bây giờ cho chị làm lại chị có làm không? Đánh cược tính mạng mình một lần nữa?
- Tất nhiên là tôi vẫn làm. Tôi là người rất lì lợm. Khi đã quyết tâm làm gì thì tôi sẽ tìm đủ mọi cách để làm cho được, trong khả năng của mình.
Không phải chị đã nói chị quá sợ hãi sao?
- Sợ. Đương nhiên là tôi quá sợ rồi nhưng không phải vì thế mà lại chùn bước. Nếu trở lại Khe Đương hoặc một nơi nào tương tự thế, tôi chắc chắn sẽ tìm những câu chuyện, những hình ảnh chân thực nhất. Khe Đương đã cho tôi những bài học kinh nghiệm quý giá. Nhờ nó, nếu còn lao vào những nơi như thế, tôi tin mình sẽ có được những hình ảnh tốt hơn nhưng mức độ rủi ro được hạn chế xuống mức thấp nhất có thể.
Phóng viên Bạch Hoàn trong cuộc phỏng vấn tại Bản tin Tài chính Kinh doanh về quá trình tác nghiệp tại Khe Đương.
Chị đã từng thực hiện những phóng sự nào có độ nguy hiểm như thế trước đây chưa?
- Đối diện giữa sự sống và cái chết của mình và đồng nghiệp thì chưa nhưng bị dọa đánh thì tôi quen rồi. Mới tháng trước thôi, tôi từng phải đối diện với những sự dọa dẫm. Tôi cũng từng bị dọa kiện cáo, dọa sẽ điều tra về động cơ của tôi để xem vì sao tôi lại vạch trần sự sai trái của họ.
Tôi chẳng có động cơ gì ngoài nhiệm vụ nói lên sự thật cả. Bởi thế, tôi có thể vượt qua được những lời đe dọa như thế. Tôi biết rõ nhất trong tay tôi có những gì. Nhưng điều giúp tôi vững tâm nhất chính là lãnh đạo Trung tâm tin tức VTV24. Trước khi đi làm, sau khi phóng sự được phát, các anh chị ở VTV24 đều bàn phương án làm sao giữ được an toàn cho phóng viên, không với riêng tôi mà tất cả những phóng viên khác đều được “chăm sóc” kỹ lắm. (cười).
Tò mò một chút, trước khi làm ở Trung tâm tin tức VTV24, chị đã làm ở đâu?
- Tôi là phóng viên của báo Tuổi trẻ. Tôi đã làm việc 5 năm và 5 tháng ở đó. Tôi chưa từng làm truyền hình trước đó. Tôi mới chính thức làm việc ở VTV24 từ ngày 1/7/2014.
Sao chị lại quyết định rời bỏ Tuổi trẻ - một cơ quan báo chí rất nổi tiếng, rất ưu đãi phóng viên - để về VTV24? Chị muốn một sự thay đổi? Một cảm giác mới mẻ hay lý do nào khác?
- Tuổi trẻ là một nơi rất tốt để làm việc, một môi trường làm báo chuyên nghiệp. Nhưng vì tôi chuyển chỗ ở từ Sài Gòn ra Hà Nội, đó là một lý do. Tôi cũng muốn thử sức mình ở lĩnh vực truyền hình. Tôi nghĩ biết đâu mình lại thích hợp với nó. Lý do chỉ giản dị vậy thôi.
Vậy sau 2 tháng, chị thấy mình có thích hợp không?
- Thú thật là nhiều lúc tôi vẫn rất hoang mang. Với truyền hình tôi vẫn chỉ là con số 0 tròn trĩnh, nhưng tôi xác định là sẽ kiên trì học tập từ những anh chị lãnh đạo VTV24 cũng như từ các đồng nghiệp.
Tôi cảm nhận được sâu sắc nhiệt huyết với công việc của lãnh đạo và các đồng nghiệp của tôi ở VTV24. Ở đó có lửa. Sếp của tôi có lửa. Và chính tôi cũng tự thấy mình có lửa. VTV24 là nơi tôi thấy ai cũng khao khát đi tìm những câu chuyện đẹp, vạch trần những sai trái, những điều bất hợp lý trong cuộc sống này. Những phóng sự được phát lên, ngay lập tức tạo được hiệu ứng, hiệu quả xã hội rõ nét. Tôi bắt đầu thấy yêu nhiều hơn công việc của một phóng viên truyền hình.
Tôi là người làm báo có lý tưởng và đam mê. Ở môi trường đó, sự đam mê lại được cộng hưởng. Bạn chẳng thể nào không hết mình khi xung quanh bạn ai cũng đang nỗ lực hết sức. Bạn cũng chẳng thế nào thấy khó mà lùi bước, thấy vất vả lại chùn chân, thấy làm đêm làm hôm lại chán nản, khi mà sếp của bạn, đồng nghiệp của bạn thậm chí còn tự đi mua đồ ăn cho bạn để bạn đủ sức khoẻ hoàn thành công việc, dù họ chẳng được nhận đồng tiền nhuận bút nào từ những bài phóng sự ấy.
Ở đây có nhiều người khiến tôi ngưỡng mộ lắm. Tôi luôn khát khao làm sao để mình có thể làm tốt được như họ. Tôi nghĩ mình phải rèn luyện dài dài.
Tôi cảm nhận thấy một sự yên âm ở chị qua những gì chị nói. Tuy nhiên, giữa báo viết và báo hình có những sự khác biệt, sự khác biệt này có khiến chị cảm thấy khó khăn không?
- Tôi đã từng ngồi trong phòng dựng lúc 2 giờ đêm, đóng cửa lại và khóc nức nở vì giờ đó chưa được về nhà với con. Cảm giác ra khỏi nhà khi con chưa tỉnh giấc, về nhà khi con đã chìm vào giấc ngủ sâu khiến một người mẹ trẻ như tôi thấy đau đớn. Sau tôi nhận ra vì tôi chưa có kỹ năng nên loay hoay nhiều và tốn thời gian hơn người khác. Nhưng cũng có nhiều người khác dù đã làm truyền hình chuyên nghiệp cũng còn ở lại đêm để làm việc. Tôi dần dần chấp nhận chuyện đó. Tôi tự mày mò, hỏi đồng nghiệp để có thêm kỹ năng. Tôi sắp xếp công việc, cuộc sống khoa học hơn để vẫn có những lúc dành trọn thời gian cho con mình mà vẫn đảm bảo hoàn thành công việc.
Vậy bây giờ chị đã thấy yêu thích nó chưa?
- Tình yêu đã dần nhen nhóm. (cười)
Phóng sự khai thác vàng lậu ở Khe Đương của chị đã nhận được rất nhiều khen ngợi, từ cả khán giả và lãnh đạo VTV. Điều đó có khiến tình yêu bắt đầu nhen nhóm của chị mạnh hơn không?
- Cảm ơn mọi người đã ưu ái. Mọi thứ mới chỉ là khởi đầu. Anh Trần Bình Minh - Tổng Giám đốc Đài THVN - đã nói với chúng tôi rằng hãy để 5 năm sau, khi nhìn lại mới nói là yêu hay không yêu. Tôi sẽ chờ 5 năm nữa để đủ trải nghiệm và thấm thía thì mới dám trả lời câu hỏi này. Chị Lê Bình cũng nói cần những ngọn lửa cháy bền bỉ chứ không cần bùng lên rồi vụt tắt. Tôi đang nhóm lửa.
Vậy 5 năm sau gặp nhau tôi sẽ hỏi lại chị câu hỏi này. Một câu hỏi cuối, nếu chọn lại chị có chọn nghề báo?
- Đương nhiên vẫn là nghề báo rồi. Tôi chưa từng tưởng tượng đến ngày nào đó mình sẽ không làm báo. Tôi có nói với chị Lê Bình, giám đốc VTV24, rằng mong muốn của tôi chỉ là làm công việc của một nhà báo tử tế.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện. Mong chờ được xem nhiều hơn những phóng sự của chị trên sóng VTV.