Thầy Nguyễn Quốc Hùng MA: "VTV lưu giữ những dấu ấn rất đặc biệt"

T.Linh-Thứ sáu, ngày 28/08/2015 06:00 GMT+7

VTV.vn - Gắn bó với các bài giảng tiếng Anh trên VTV2, thầy Nguyễn Quốc Hùng MA không chỉ có nhiều kỷ niệm, dấu ấn gắn liền với Ban Khoa giáo mà với cả Đài Truyền hình Việt Nam.

Với những khán giả yêu thích các chương trình dạy học của Đài Truyền hình Việt Nam, thầy Nguyễn Quốc Hùng MA là một gương mặt quen thuộc với các bài giảng tiếng Anh thú vị trên kênh VTV2. Tên tuổi của thầy gắn liền với 21 năm xây dựng các chương trình tiếng Anh trên truyền hình. Giọng nói ấm áp cùng các bài học tiếng Anh của thầy đã lưu lại dấu ấn trong lòng những thế hệ khán giả một thời.

Ở thời điểm cách đây gần 30 năm, tại sao thầy quyết định tham gia giảng dạy tiếng Anh trên truyền hình?

- Tôi đến với việc giảng dạy trên truyền hình một cách vô tình. Lúc đó, tôi đang là giảng viên tiếng Anh của trường Đại học Ngoại ngữ (tức Đại học Hà Nội ngày nay). Thời điểm ấy, tôi chưa có hình dung gì về công việc của người làm truyền hình. Nhưng tôi bất ngờ nhận được lời mời từ Ban Khoa giáo của Đài Truyền hình Việt Nam. Vì thế, tôi đã quyết định thử sức mình.

Thực tế, phía truyền hình muốn lựa chọn người dạy tiếng Anh dựa theo ba tiêu chí: có thể viết kịch bản tiếng Anh trên truyền hình; hiểu biết về việc viết sách; người lên hình có ngoại hình ổn và giọng nói hay. Ngày ấy, tôi cũng có viết sách và viết giáo trình cho trường Đại học Ngoại ngữ nên nghĩ mình có thể biên soạn được kịch bản giảng dạy.

Hình ảnh thầy Nguyễn Quốc Hùng MA gắn liền với các chương trình dạy tiếng Anh một thời trên VTV2.

Hình ảnh thầy Nguyễn Quốc Hùng MA gắn liền với các chương trình dạy tiếng Anh một thời trên VTV2.

Vậy lần đầu tiên dạy tiếng Anh trên truyền hình, thầy đã gặp những khó khăn gì?

- Khó khăn đầu tiên với tôi là khả năng khai thác giáo trình để đưa lên truyền hình bởi cần những kiến thức chủ chốt, kỹ năng cần thiết nhất nhằm truyền tải tốt tới người học. Lúc đó, giáo trình được tôi sử dụng là của nước ngoài, kỹ thuật biên soạn của họ rất cao và kiến thức khá dày dặn.

Khó khăn còn ở sự khác biệt giữa việc viết kịch bản truyền hình và viết giáo trình theo cách thông thường. Tôi nhận thấy, khi viết kịch bản truyền hình, mình phải có hình dung về sự phân cảnh: lúc nào lên chữ, lúc nào người giảng dạy ngồi nói, lúc nào chỉ cần hình ảnh, lúc nào cần cả hình và chữ. Đó là kỹ năng làm truyền hình mà tôi được biết đến. Ban đầu, tôi còn mò mẫm tìm kiếm đọc thêm tài liệu về truyền hình và hỏi thêm kinh nghiệm của một số người làm trong lĩnh vực này để nắm được kỹ năng rõ hơn.

Ngày đầu lên hình, thầy cảm thấy như thế nào khi chưa từng dẫn dắt trên truyền hình?

- Người giảng dạy khi lên hình phải nói sao cho tự nhiên, rõ ràng, đủ để người học tiếp cận, ghi chép được và không cảm thấy nhàm chán. Ban đầu lên hình, tôi thấy rất thích và hào hứng, chứ không thấy ngại lắm. Nhưng vì muốn dạy trên truyền hình trôi chảy hơn, tôi thường tập nói khi ở nhà.

Tuy nhiên, việc dạy học trước máy quay vẫn khác với dạy trên giảng đường nên tôi vẫn phần nào chịu tác động về tâm lý. Mỗi lần nói sai, ê-kíp ghi hình lại phải quay lại từ đầu. Mỗi lần quay đi quay lại có khi mất đến 1-2 tiếng. Thời ấy còn chưa có kỹ thuật cắt, ghép hiện đại như bây giờ. Tôi đã nghĩ, nếu mắc sai lầm sẽ làm mất thời gian của cả ê-kíp nên mới cố gắng để luyện nói thuần thục hơn trên truyền hình.

Được biết, thầy đã từng có thời gian được cử đi học ở nước ngoài. Điều đó giúp ích thế nào cho quá trình dạy học trên VTV2?

- Sau khi tham gia giảng dạy trên VTV2 được 3 năm, tôi đã biết cách khai thác tài liệu, kỹ thuật dạy trên truyền hình một cách cơ bản. Đặc biệt, vào giai đoạn 1990 – 1991, tôi được cử đi học ở Anh. Tôi biết nhiều hơn về việc thiết kế, dạy các chương trình tiếng Anh qua phương tiện truyền thông.

Trong quá trình học, hàng tuần, tôi đều vác máy đi tự quay rồi tự dựng. Việc này giúp ích cho tôi rất nhiều và có thêm nhiều kinh nghiệm tích lũy. Khi đó, tôi hiểu rằng, mình không đơn thuần là người dạy học trên truyền hình nữa mà cũng là người tham gia vào công việc của truyền hình.

Quãng thời gian đi học ở nước ngoài giúp thầy Nguyễn Quốc Hùng tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy trên truyền hình (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Quãng thời gian đi học ở nước ngoài giúp thầy Nguyễn Quốc Hùng tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy trên truyền hình (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Với kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh trên truyền hình trong nhiều năm, thầy thấy VTV đã góp phần quan trọng như thế nào trong quá trình học ngoại ngữ của nhiều khán giả?

- Việc học ngoại ngữ qua qua truyền hình phát huy được nhiều tác dụng. Các chương trình giảng dạy với nội dung, hình ảnh hấp dẫn khích lệ khán giả và tạo hứng thú học ngoại ngữ hơn. Truyền hình cũng là phương tiện hỗ trợ tốt cho quá trình học ngoại ngữ, đặc biệt giúp người học tăng khả năng nghe và giao tiếp qua nhiều tình huống. Tuy nhiên, sau mỗi bài giảng trên truyền hình, tôi nhận thấy chúng ta vẫn cần có thêm tính hệ thống để thu hút khán giả lâu dài hơn.

Ban Khoa giáo của VTV đã phát sóng liên tục chương trình tiếng Anh theo phương án chọn giáo trình nước ngoài do người bản ngữ viết, sau đó bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với cách dạy ở Việt Nam. Tất cả các chương trình học theo truyền hình đều có người hướng dẫn sử dụng tiếng Việt để giảm tải ngữ liệu, giải thích những nội dung khó như tiêu điểm ngữ pháp, cách kết hợp từ xa lạ với người Việt, kiến thức về văn hóa thế giới, bổ sung bài tập thích hợp và dẫn dắt người học tiến theo trình tự của bài.

Quãng thời gian thầy tham gia giảng dạy tiếng Anh trên VTV2 chắc hẳn còn có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ?

- Trong thời gian làm việc cùng Ban khoa giáo của VTV, chúng tôi gặp không ít khó khăn. Kỹ thuật dựng, ghép hình chưa phát triển như bây giờ, trường quay cũng nhỏ hơn. Ban đầu, ê-kíp phải tham gia ghi hình ở trường quay bên ngoài Đài Truyền hình Việt Nam. Tuy nhiên, khoảng thời gian khó khăn đó lại tạo nên nhiều kỷ niệm gắn bó với nhau.

Chúng tôi cùng trao đổi công việc, cùng trò chuyện về rất nhiều điều. Cả ê-kíp còn thường xuyên cùng chia sẻ bữa ăn, có bữa tiền góp chung chỉ đủ ăn đậu phụ, mắm tôm nhưng không khí vẫn đầm ấm, gần gũi. Một lần, cả nhóm còn có chuyến đi về vùng nông thôn, tới nhà dân thử thưởng thức các món đặc sản địa phương. Điều đó giúp chúng tôi ngày càng gắn bó hơn, kỷ niệm tuy giản dị nhưng thân thiết và sâu sắc.

Cho đến ngày nghỉ hưu và dừng tham gia giảng dạy trên VTV2, tôi chưa bao giờ quên những kỷ niệm mình có được cùng ê-kíp. Mọi người trong ê-kíp đều tình cảm, gắn bó với nhau nên không bao giờ xảy ra mâu thuẫn nào căng thẳng.

Nhân kỷ niệm 45 năm Ngày phát sóng chương trình đầu tiên của VTV, thầy muốn gửi gắm điều gì tới các ê-kíp và những người làm chương trình?

- Mặc dù kỷ niệm của tôi chủ yếu gắn bó với những người làm cùng mình ở Ban khoa giáo, nhưng tôi luôn thấy VTV là nơi lưu giữ những dấu ấn rất đặc biệt với mình. Tôi luôn hy vọng các ê-kíp ở VTV giữ được “lửa” và tình cảm gắn bó với nhau như nhóm chúng tôi trước đây để cùng đạt được hiệu quả công việc tốt nhất.

Trong những năm gần đây, số lượng các chương trình phát sóng trên VTV ngày càng tăng, trong đó có nhiều chương trình xã hội hóa, hiện đại và đa dạng hơn. Nhưng bên cạnh các chương trình mua bản quyền nước ngoài, tôi hy vọng các ê-kíp không ngừng tìm tòi, duy trì sự sáng tạo để tiếp tục có thêm nhiều chương trình đổi mới thú vị, quan trọng là thể hiện được rõ ràng bản sắc của truyền hình Việt Nam.

Xin cảm ơn thầy vì những chia sẻ!

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước