Công ty Cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường tiền thân là Nhà máy cơ khí Cầu Đường thuộc Tổng Công ty Đường Sắt Việt Nam, có trụ sở tại 460 Trần Quý Cáp, Hà Nội. Hiện nhà máy nằm trong danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch đô thị.
Nhiều hoạt động sản xuất như in ấn, giặt là và sử dụng kho bãi... diễn ra trên diện tích đất của công ty. Chưa nói đến mức độ ảnh hưởng về tiếng ồn, ô nhiễm khói, bụi, nước thải từ hoạt động sản xuất của các đơn vị này đang xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Kết quả quan trắc nước thải 10/2018 tại Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường, do Sở TN&MT Hà Nội thực hiện cho thấy nhiều thông số ô nhiễm trong nước thải vượt ngưỡng cho phép, như: COD, TSS, PH, amoni và asen.
Được biết, nguyên nhân gây ô nhiễm nước thải chính từ các cơ sở giặt là và in ấn... nằm trên diện tích đất của công ty, do công ty cho thuê hợp đồng trong lúc chờ giải phóng mặt bằng.
Nhiệm vụ chính của công ty là sản xuất sản phẩm cơ khí phục vụ cho vận tải đường sắt. Vì lý do sản phẩm đặc thù cồng kềnh, nên công ty đã chủ động đầu tư bằng vốn vay để xây dựng xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, Thường Tín, Hà Nội.
Tại địa chỉ 460 Trần Quý Cáp, công ty chỉ còn duy trì một phần hoạt động sản xuất cơ khí. Nhưng do toàn bộ mặt bằng của công ty nằm trọn trong chỉ giới sử dụng đất của dự án đường sắt đô thị tuyến số 1, giai đoạn 1, theo quyết định 945 của UBND thành phố Hà Nội ngày 8/2/2013, nên công ty chỉ hoạt động cầm chừng và tận dụng cho thuê trong khi chưa bàn giao mặt bằng cho dự án.
Ông Đỗ Đức Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường - cho rằng, theo Quyết định 945 của UBND thành phố, thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư sẽ diễn ra trong thời gian quy định từ năm 2013 - 2017. Nhưng cho đến nay, 6 năm kể từ khi có quyết định, các thủ tục vẫn chưa được giải quyết, vì vậy, việc cho các đơn vị khác thuê với thời hạn dưới 12 tháng là để tận dụng, không lãng phí.
Trong thời gian chờ đợi giải phóng mặt bằng, công ty này cho biết đã thực hiện một số giải pháp: nạo vét khơi thông cống rãnh, xây tường cao cách khu dân cư, xây dựng khu tập kết rác thải nguy hại, các chất thải theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu việc thực hiện di dời công ty này ra khỏi khu vực dân cư càng chậm, hoạt động sản xuất từ các cơ sở giặt là và in ấn sẽ càng gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!