Hiện nay, để tạo sự thông thoáng về mặt thủ tục, các doanh nghiệp không gặp quá nhiều khó khăn khi thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều này đã vô tình tạo nên khe hở khiến cho các đối tượng lợi dụng thành lập công ty "ma" để mua bán hóa đơn, hợp pháp hóa hành vi rửa tiền, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần bất hợp pháp. Thực trạng này đòi hỏi cần có thêm hàng rào kỹ thuật để bảo đảm tính xác thực và hợp pháp của hồ sơ thành lập doanh nghiệp.
Tại một hội thảo mới đây tại Hà Nội, theo kinh nghiệm từ Đức, để ngăn chặn việc khai khống hoặc giả mạo thông tin, các doanh nghiệp cần phải cung cấp bằng chứng xác thực về vốn điều lệ, địa chỉ kinh doanh và thông tin cá nhân của chủ sở hữu và người đại diện pháp luật thông qua các cơ quan chức năng được Nhà nước chỉ định.
Theo đó, công chứng viên có nhiệm vụ xác minh tính tuân thủ pháp luật của các văn bản được yêu cầu công chứng trong hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Năm 2022, đã có 6.000 trường hợp báo cáo lên FIU về sai phạm doanh nghiệp.
Trong khi đó tại Việt Nam, theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký doanh nghiệp sẽ tiếp nhận và xử lý hồ sơ thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, cơ quan này không có cơ sở để đánh giá tính hợp pháp, xác thực các giao dịch của hồ sơ.
Khi một số tài liệu quan trọng của doanh nghiệp cần phải công chứng thì sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, gia tăng tính minh bạch thông tin doanh nghiệp và khắc phục một số bất cập của thị trường.
Cũng từ kinh nghiệm quốc tế, các dòng tiền được phát hiện thông qua việc công chứng quá trình thành lập, chuyển nhượng vốn góp và thỏa thuận ủy thác của các các doanh nghiệp. Qua đó làm tăng khả năng truy xuất nguồn gốc của các luồng thanh toán giúp cơ quan quản lý dễ dàng phát hiện và truy tố các hành vi tham nhũng, tội rửa tiền và tài trợ cho khủng bố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!