Thoạt nhìn, thật khó để phân biệt đâu là fanpage thật của Nhà xuất bản Nhã Nam, ảnh đại diện giống nhau, cùng có tên là Nhã Nam, tuy nhiên lại khác nhau ở hậu tố. Trang thanh lý sách tồn kho với lượng tương tác lớn chính là nơi mà hành vi buôn bán trái phép đang hoạt động.
Những cái trang như Tổng kho, Xả kho sách Nhã Nam hay một nhà xuất bản nào khác đều là những trang bán sách giả và không có bất cứ sự ủy quyền nào từ Nhã Nam. Những trang này hầu như đều bán những cuốn bán chạy của các NXB, đặc biệt là những cuốn đã hết từ cách đây hơn 5-6 năm rồi và chắc chắn là không có tồn kho.
Tuy nhiên, khi phóng viên liên lạc đến những trang bán sách này lại nhận được sự khẳng định rất chắc chắn về nguồn sách.
Khi nhờ người mua từ những trang đó, so sánh thì thấy, bìa sách thật là màu trắng còn sách giả là màu đỏ. Sách thật có tay gấp còn sách giả thì không. Chất lượng in của sách thật sắc nét còn của sách giả mờ vì bị scan.
Không chỉ có NXB Nhã Nam, một nhà xuất bản khác là NXB trẻ cũng bị mạo danh với những cái tên rất đa dạng
Điểm chung của những trang bán sách mạo danh này là không địa chỉ, không số điện thoại, bất kỳ ai muốn mua đều phải nhắn tin trên page, sau đó sẽ thanh toán theo hình thức chuyển khoản và cuối cùng sẽ nhận sách từ một đơn vị giao hàng.
Thêm vào đó, những trang này chỉ bán sách theo combo, thậm chí là những bộ sách mà NXB đã ngừng sản xuất như "Ma thổi đèn" của NXB Nhã Nam. Ngang nhiên là vậy, tuy nhiên để ngăn chặn những trang bán sách này lại không dễ dàng.
Có thể thấy, hành vi mạo danh NXB để kinh doanh sách giả đã xâm phạm bản quyền nghiêm trọng. Hiện các nhà xuất bản vẫn tích cực tìm các biện pháp để ngăn chặn những trang bán sách mạo danh này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!