Sau khi vụ phá rừng pơ mu ở khu vực biên giới Quảng Nam được phơi bày, dư luận đặt ra câu hỏi: Vì sao một vụ phá rừng có quy mô lớn đến thế mà các cấp ngành liên quan chỉ thực sự vào cuộc khi mọi sự đã rồi? Đến lúc các ngành chức năng vào cuộc cũng là khi hàng chục gốc pơ mu cổ thụ quý hiếm đã bị triệt hạ và rừng đã bị hủy diệt.
Theo lãnh đạo UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, vị trí của rừng pơ mu là một trong những nguyên nhân vì sao vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng này bị chậm phát hiện. Vị trí này nằm ngay bên đường tuần tra biên giới. Đây được xem là khu vực cấm, nội bất xuất, ngoại bất nhập, nếu chưa được sự chấp thuận của lực lượng Biên phòng.
Tương tự như nơi rừng bị tàn phá, vị trí tập kết của gần 600 phách gỗ pơ mu, tương đương với 44 m3 mà các đối tượng phá rừng mượn để làm bàn đạp trung chuyển, chờ thời cơ hợp thức hóa để đưa gỗ về xuôi cũng nằm trong khu vực nhạy cảm. Đó là trong khuôn viên của Trạm Hải quan cửa khẩu, ngay sau lưng Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Tất cả là khu vực cấm.
Thủ phạm là ai? Trách nhiệm thuộc về ai? Và có hay không sự tiếp tay của cơ quan chức năng khu vực biên giới với các thế lực ngầm? Cơ quan chức năng sẽ làm rõ. Sự việc này còn cho thấy sự buông lỏng quản lý, thiếu cơ chế giám sát giữa các đồn biên phòng với Kiểm lâm, với chính quyền địa phương chính là kẻ hở cho lâm tặc lộng hành. Khi vấn đề này chưa được giải quyết, rừng sẽ tiếp tục chảy máu.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!