Đây là hình thức cho vay với lãi suất "cắt cổ", phổ biến ở mức 600%/năm, tức là gấp 60 lần mức lãi của các ngân hàng. Sau khi phóng viên chúng tôi tiếp xúc với hàng loạt nạn nhân ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận, nhận thấy điểm chung mà họ phải trải qua là đường đến tín dụng đen rất dễ, nhưng đường thoát ra khó vô cùng. Nhiều gia đình chỉ vay vài triệu đồng, nhưng sau đó lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất, không trả nổi cho các trùm cho vay vốn là các đối tượng côn đồ, từng có tiền án tiền sự, dẫn đến nạn nhân bị trừng phạt, phải nhận thảm cảnh tan nhà nát cửa, thậm chí mất mạng sống.
Như gia đình chị Nguyễn Thị Bế ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, đằng sau sự vui mừng khi được vay tiền là những chuỗi ngày cay đắng. Chồng chị Bế chỉ vay 10 triệu đồng, nhưng với mức lãi gần 600% mỗi năm, lãi mẹ đẻ lãi con chồng chất khiến số nợ tăng cao như núi, khi mất khả năng chi trả, chồng chị Bế là anh Võ Minh Tuấn bị những kẻ cho vay nặng lãi đâm chết.
Còn tại TP.HCM, thì các đối tượng cho vay nặng lãi đối đãi với khách hàng của mình bằng thủ đoạn khác như trường hợp của người em dâu ông Quân ở Quận Tân Phú. Sự việc bắt đầu từ mấy năm trước, người em của ông mượn tiền bên ngoài với mức lãi cắt cổ, không trả nổi rồi trốn nợ. Vậy là cùng với những lời hăm doạ thì ngôi nhà của ông Quân liên tục bị tạt sơn. Mẹ ông Quân vì quá lo sợ đã phát bệnh nặng.
Đáng thương hơn là câu chuyện của anh Ngọc, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, chỉ vì vay 200 triệu đồng cho vợ chữa bệnh, dù vẫn đóng tiền lãi và gốc đầy đủ. Nhưng sau 1 tháng, anh bất ngờ khi căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng của anh đã bị bán cho nhiều người và trở thành tài sản cầm cố của ngân hàng. Và từ đó chủ nợ cho anh vay tiền cũng biến mất.
Một nạn nhân khác tuy chỉ còn nợ hơn một triệu đồng thì thiếu tiền và mới qua 1 ngày chị đã bị các đối tượng chửi bới và hăm doạ. Các đối tượng cho vay nặng lãi thường dùng nhiều thủ đoạn tàn ác xử lý khi người vay có dấu hiệu chậm trả tiền vay như hăm doạ, chửi bới, phá nhà, cướp nhà, nặng hơn là đánh đập, bắt cóc thậm chí là giết người để ép trả nợ.
Những câu chuyện thương tâm mà chúng tôi đã phản ánh trong bài phóng sự đầu tiên của loạt bài về tín dụng đen chỉ khắc hoạ 1 phần nhỏ trong vô vàn hậu quả tàn khốc của tín dụng đen. Thế nhưng, nghịch lý là tín dụng đen vẫn phát triển, đặc biệt trong giới lao động nghèo. Vậy điều gì khiến cho tín dụng đen có sức hút như vậy? Mời quý vị cùng theo dõi tiếp kỳ 2 - Sức hút của tín dụng đen.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!