Tối 9/12, Nhà vua Thái Lan đã ra sắc lệnh Hoàng gia cho phép giải tán Hạ viện và sắc lệnh có hiệu lực ngay lập tức. Theo hiến pháp Thái Lan, một cuộc bầu cử sẽ phải được tổ chức trong vòng từ 45 - 60 ngày tới.
‘ Người biểu tình tại khu vực tòa nhà Chính phủ ở Bangkok ngày 9/12. (Ảnh: AFP)
Như vậy, biện pháp mang tính hòa giải là giải tán Hạ viện của Thủ tướng Thái Lan Yingluck đã được Hoàng Gia chấp thuận. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp tục gia tăng ở Thủ đô Bangkok. Những người biểu tình tuyên bố chỉ giải tán chừng nào một Hội đồng nhân dân theo đề xuất của họ được thành lập.
Chiều tối 9/12, hàng trăm nghìn người biểu tình chống chính phủ từ tất cả các nơi đã đổ dồn về bao vây tòa nhà Chính phủ ở Thủ đô Bangkok. Những người biểu tình thậm chí còn tràn qua hàng rào bê tông để tiếp cận sát cổng chính của tòa nhà chính phủ, nơi rất nhiều binh sĩ đã được triển khai xung quanh để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, mặc dù không có ai làm việc bên trong.
Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban tuyên bố người biểu tình sẽ "không về nhà tay không", ám chỉ việc giải tán Quốc hội và bầu cử lại là vô nghĩa. Ông khẳng định mọi việc chỉ có ý nghĩa khi Chính phủ tạm quyền hiện nay từ chức và một Hội đồng nhân dân được thành lập để thực hiện cải cách chính trị trước khi bầu ra một Chính phủ mới.
Quân đội Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi các bên lựa chọn các giải pháp hòa bình giải quyết những xung đột chính trị. Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng đã bác bỏ tin đồn rằng quân đội đã can thiệp vào chính trị dẫn tới quyết định giải tán Hạ viện.
Theo tin mới nhất thì Đảng Pheu Thái đã họp và nhất trí tiếp tục đề cử bà Yingluck làm ứng cử viên số 1 của Đảng ra tranh cử trong cuộc bầu cử sắp tới.