Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong các khuôn khổ hợp tác đa phương và khu vực, mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và các lĩnh vực hợp tác cụ thể. Đại diện Hoa Kỳ hoan nghênh Việt Nam tuyên bố chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ và khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tham gia có hiệu quả trong hoạt động này.
Phía Hoa Kỳ cũng cảm ơn Việt Nam đã tích cực hỗ trợ Hoa Kỳ trong xử lý các vấn đề nhân đạo như tìm kiếm người Mỹ còn mất tích. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tăng cường hỗ trợ Việt Nam giải quyết các vấn đề tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, thúc đẩy hợp tác tìm kiếm, cứu nạn, giảm nhẹ thiên tai... Đặc biệt, Hoa Kỳ sẵn sàng tăng cường hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển 2 nước, cũng như trong đào tạo tại các trường quân sự và các chương trình giáo dục quốc tế.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Các giải pháp cũng như nội dung đưa ra và thống nhất để đi đến hợp tác không nằm ngoài những nội dung của Bản ghi nhớ quốc phòng giữa hai nước đã ký năm 2011. Tuy nhiên, có một số nội dung cần phải làm sâu sắc hơn, ví dụ những hoạt động hợp tác về khắc phục hậu quả chất độc dioxin, hậu quả bom mìn, đặc biệt là việc tìm kiếm hài cốt người Mỹ mất tích và cung cấp thông tin để tìm kiếm hài cốt của những bộ đội Việt Nam mất tích. Đây là một nội dung trọng tâm mà chúng ta đã làm tốt từ nhiều năm trước nhưng trong bối cảnh mới thì cần phải làm tốt hơn nữa…Cũng có những điểm mới... Ví dụ, lần này chúng ta và Hoa Kỳ có xác định là hợp tác chặt chẽ trong việc Việt Nam tham dự lực lượng gìn giữ hòa bình của LHQ”.
Tại đối thoại lần này, 2 bên đã trao đổi, đánh giá tiến trình hợp tác quân sự, quốc phòng song phương, tình hình an ninh khu vực và các vấn đề quan tâm chung, trong đó có tự do, an toàn hàng hải, an ninh biển và những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa hoà bình, ổn định tại khu vực. Việt Nam và Hoa Kỳ chia sẻ quan điểm chung là giải quyết mọi vấn đề liên quan tới an ninh, an toàn cũng như các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa các quốc gia tại các vùng biển Đông Á, Đông Nam Á bằng biện pháp hoà bình thông qua thương lượng ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật biển 1982 và các thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc trong xử lý các vấn đề trên biển như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhanh chóng thúc đẩy tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).