Là một đất nước có ngành du lịch phát triển, Thái Lan có nhiều lý do để giữ chân những vị khách ngoại quốc, song với một số người như anh Chris, quốc tịch Anh, quãng thời gian ở Thái Lan không phải là để hưởng thụ. Chris đã sống lang thang trên các đường phố Bangkok được hai năm. “Tôi không có tiền và bị đẩy ra đường. Tôi rất sợ hãi. Không có tiền, không thể về nhà, không biết phải làm gì đây?”.
Chris tới Thái Lan với hứa hẹn được trả 5.000 USD cho công việc của mình, tuy nhiên anh không bao giờ nhận được số tiền đó. Hộ chiếu hết hạn, đồng thời thiếu sự trợ giúp từ phía đại sứ quán, Chris mắc kẹt tại một quốc gia xa lạ. Anh cũng không dám gọi điện về nhà bởi lo rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của người cha đang hấp hối.
‘ Thái Lan không muốn có cảnh này ở Bangkok trong thời gian diễn ra hội nghị APEC. Ảnh: AFP
“Tôi không muốn gia đình phải gánh chịu thêm những lo lắng. Mẹ tôi đang phải bận tâm về cha tôi, còn bản thân ông thì lo lắng về sức khỏe của mình. Nếu tôi gọi về nhà và nói con trai của họ đang ngủ ở ngoài đường, điều này không hay ho chút nào”, Chris nói.
Trường hợp của Chris không phải là duy nhất. Các tổ chức từ thiện Thái Lan ước tính có hơn 300 người ngoại quốc đang sống vô gia cư tại quốc gia này.
Anh Natee Saravari, Tổng thư ký quỹ từ thiện Issarachon Foundation cho biết: “Có đến 6/10 trường hợp bị cướp hay bị lừa bởi các bà vợ người Thái. Ngoài ra, khoảng 1/3 bị lừa bởi đối tác kinh doanh và còn nhiều nguyên nhân khác nữa”.
Cho đến nay, Chính phủ Thái Lan bị chỉ trích là thiếu quan tâm tới vấn đề này. Với số lượng người ngoại quốc vô gia cư đang ngày một tăng, các tổ chức xã hội đang kêu gọi Chính phủ Thái Lan có những biện pháp giúp đỡ, đồng thời thay đổi chính sách cho phù hợp với hoàn cảnh mới.