Hong Kong rộn ràng chuẩn bị Tết Nguyên đán

Anh Phương-Thứ năm, ngày 30/01/2014 11:00 GMT+7

Không khí những ngày cận Tết tại một khu mua sắm ở Hong Kong. (Ảnh: Xinhua)

Dấu hiệu báo một mùa Tết nguyên đán về là khi các cửa hiệu của Hong Kong ngập trong sắc đỏ.

Hong Kong vẫn được mệnh danh là "thành phố của thế giới", với rất nhiều người nước ngoài tới đây làm ăn sinh sống. Vậy nhưng một Hong Kong được pha trộn rất nhiều bản sắc văn hóa vẫn không làm mất đi ý nghĩa của ngày tết cổ truyền trên vùng đất này. Ngày Tết nguyên đán đang đến gần. Hãy cùng các phóng viên VTV cảm nhận về không khí chuẩn bị tết của người Hong Kong để tìm hiểu những nét văn hóa rất riêng của ngày Tết tại xứ sở này.

Tại Hong Kong, thế hệ trẻ ngày nay không còn mấy ai biết đến ngày tiễn ông công ông táo về chầu trời. Thế nên dấu hiệu báo một mùa Tết nguyên đán về là khi các cửa hiệu của Hong Kong ngập trong sắc đỏ.

Màu đỏ, không phải tự nhiên mà được xem là màu của năm mới. Tương truyền, khởi nguồn Tết nguyên đán của người Hong Kong, cũng như người Trung Quốc xưa là cuộc chiến chống lại một con quái vật. Nó chuyên xuất hiện vào dịp đầu năm mới để phá hoại gia súc, mùa màng và bắt trẻ con. Nhưng rồi, con quái vật này đã bị một anh hùng nhỏ tuổi mặc bộ đồ đỏ thuần phục. Từ đó, vào những ngày đầu năm mới, người dân đều treo đèn lồng đỏ, câu đối đỏ, hay dán giấy đỏ trên cửa sổ, cửa ra vào.

Ông Trương, một người bán hàng cho biết: "Người Hong Kong cũng không có quy định nào bắt đầu sắm tết. Cứ có hàng thì người ta bắt đầu đi mua. Có những người sắm tết từ khi trước tết cả tháng. Mặt hàng thì có người thích cái này, có người thích cái kia. Nhưng năm nay là năm con ngựa nên những cái gì liên quan đến con ngựa sẽ bán được nhiều nhất".

Con ngựa được người dân nơi đây xem là biểu tượng của năng lượng và sức khỏe. Nên năm Giáp Ngọ 2014 được mong là sẽ mang đến cú hích trong cuộc sống.

Cứ mỗi dịp năm mới thì những phong bao lì xì như thế này được xem là một thứ không thể thiếu đối với người dân Hong Kong. Nhưng nếu bạn muốn mừng tuổi cho người Hong Kong thì xin hãy nhớ, số tiền mừng tuổi phải luôn luôn được bắt đầu với con số 2".

Phó giáo sư Lý Kỷ, Viện nghiên cứu Khoa học xã hội & nhân văn, Đại học Hong Kong chia sẻ: "Lì xì có nghĩa được lợi, được tiền, được may mắn. Và người Hong Kong luôn muốn khoản lì xì gắn liền với con số 2. Có thể là 20 HKD, hay đưa 2 phong bao lì xì. 2 là để hạnh phúc nhân đôi, may mắn nhân đôi, lời chúc nhân đôi:.

Phó giáo sư Lý Kỷ cho rằng nếu Tết Dương lịch được xem là cột mốc, báo hiệu sử khởi đầu của chu kỳ mới của thời gian, thì Tết Âm lịch vẫn được người Hong Kong xem là “điểm tựa tinh thần”.

Một năm có 365 ngày, 361 ngày người Hong Kong sống trong sự giao thoa của những nền văn minh. Chỉ có vẻn vẹn 4 ngày Tết để người Hong Kong cảm nhận cái văn hóa đặc trưng của mình.

"Hong Kong như bạn có thể thấy là một xã hội rất hiện đại, rất phương Tây hóa. Nhưng nó cũng đã giữ được cho mình những giá trị truyền thống. Và nếu bạn hỏi tôi về đặc điểm ý nghĩa nhất mà Hong Kong còn lưu giữ được trong những ngày tết, thì đó là yếu tố gia đình. Sự đoàn tụ gia đình. Chỉ có khác với phương Bắc của Trung Quốc, sau bữa cơm tất niên, cả gia đình sẽ cùng quây quần chờ đón phút giao thừa. Còn ở Hong Kong, phong tục của người dân là cả gia đình sẽ cùng ra chợ hoa. Ngắm hoa, thưởng thức một chút đồ ăn hay cố gắng mua một loài hoa gì đó. Nhưng quan trọng là phải cùng cả gia đình", Phó giáo sư Lý Kỷ cho biết thêm.

Hoa là trung tâm trong cái thú thưởng Tết của người Hong Kong. Người Hong Kong mua hoa không chỉ là để cho đẹp, mà còn bởi từng ý nghĩa trong mỗi loại hoa. Mua hoa không phải là để trang trí, mà còn để biếu tặng nhau. Mỗi loại hoa cũng như một lời chúc.

Vài năm trở lại đây, loài hoa Ngũ đại đồng đường này luôn là sự lựa chọn ưa thích trong dịp Tết của người Hong Kong.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước