Với chủ đề “Đảo hay bãi đá và những tranh chấp chủ quyền trên biển Đông”, các học giả Mỹ đã tập trung phân tích khía cạnh pháp lý của các tranh chấp chủ quyền trong khu vực biển này. Các học giả cho rằng, đường cơ sở 9 đoạn của Trung Quốc là yếu tố gây phức tạp nhất trong giải quyết các tranh chấp trên khía cạnh pháp lý, bởi nó không dựa trên bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào.
Giáo sư John Moore, Giám đốc Trung tâm Luật và Chính sách biển, Đại học Luật Virginia cho rằng: “Đường 9 đoạn được hiểu là giới hạn tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc, trên thực tế không thể được luật pháp quốc tế ủng hộ. Luật pháp quốc tế công nhận tuyên bố chủ quyền đối với vùng nước lịch sử, nhưng chỉ giới hạn rất hẹp trong phạm vi vùng nước nội thủy và vùng lãnh hải gắn liền với một quốc gia, chứ không thể công nhận khái niệm vùng nước lịch sử nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay vùng thềm lục địa. Và do đó, việc tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển nằm trong đường 9 đoạn này là hoàn toàn không có cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng ta cần ủng hộ các nỗ lực giải quyết tranh chấp dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế là nền tảng mang tính toàn cầu. Mọi quốc gia cần phải tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, mà Công ước quốc tế về luật biển là luật quốc tế được cả thế giới công nhận”.
Trên cơ sở phân tích tính phức tạp của yếu tố pháp lý cũng như yếu tố chính trị - xã hội trong các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông hiện nay, các học giả cho rằng, ASEAN là cơ chế phù hợp nhất để giải quyết các tranh chấp này.
Giáo sư John Moore nhấn mạnh: “Việc hợp tác giải quyết tranh chấp qua cơ chế ASEAN là lợi ích của Trung Quốc và tất cả các nước liên quan, Indonesia đã có những nỗ lực to lớn trong việc khởi xướng và thúc đẩy tiến trình này. Việc giải quyết từng tranh chấp hiện nay là quá phức tạp và do đó tôi cho rằng, cách tiếp cận tốt nhất là hợp tác giải quyết từng vấn đề đơn lẻ thông qua cơ chế ASEAN”.
Các học giả cũng cho rằng, điều quan trọng là các bên liên quan cần tránh để tình hình tranh chấp trên biển Đông trở nên phức tạp hơn.
Bên cạnh phân tích các khía cạnh pháp lý, các học giả, các nhà nghiên cứu cũng bày tỏ lo ngại về những hành động gần đây của các nước trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc trong việc thực thi cái gọi là chủ quyền của mình trong các vùng biển tranh chấp.
Các học giả cho rằng, đây là những hành động sẽ làm phức tạp thêm tình hình và kêu gọi các bên cần phải giữ nguyên trạng và tìm kiếm các giải pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp trên biển Đông hiện nay.