Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 6/5 đã bác bỏ đề xuất của Đức về việc tổ chức Hội nghị lần thứ hai tại Geneva (Thụy Sĩ), nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine.
Động thái của ngoại trưởng Nga được đưa ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực Đông Nam Ukraine vẫn đang diễn biến phức tạp, bất chấp thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán Geneva đầu tiên hôm 17/4 vừa qua.
Phát biểu sau khi tham dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở Vienna (Áo), Ngoại trưởng Nga Lavrov đã khẳng định, các thỏa thuận đạt được tại vòng đàm phán đầu tiên diễn ra ngày 17/4 vẫn chưa được thực thi, và việc tổ chức vòng đàm phán mới sẽ không giải quyết được tình hình nếu như không có sự tham dự của đại diện các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine.
Ông Sergei Lavrov, Bộ trưởng Ngoại giao Nga cho biết: “Chúng ta đã tìm một lối thoát cho khủng hoảng Ukraine. Đó là thỏa thuận quốc tế đạt được vào ngày 17/4. Một cuộc gặp nữa, với hình thức tương tự, tức là vắng mặt đại diện các khu vực nói tiếng Nga ở Ukraine, sẽ chẳng giúp ích được gì”.
Ông Lavrov cũng lên tiếng về sự bất thường của việc tổ chức bầu cử Tổng thống Ukraine vào ngày 25/5 tới đây.
“Tổ chức bầu cử Tổng thống trong bối cảnh Chính phủ triển khai quân đội chống lại người dân là điều bất thường. Cần phải lưu ý thêm rằng chính quyền Kiev từng tuyên bố cải cách hiến pháp trước khi bầu cử Tổng thống, nhưng cải cách hiến pháp vẫn chưa hoàn thành và sẽ không hoàn thành trước ngày 25/5”, ông Sergei Lavrov cho biết thêm.
Nga cho rằng đang góp phần vào việc bình thường hóa tình hình ở Ukraine, như việc làm trung gian giúp trả tự do cho các quan sát viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine. Trong khi đó, thay vì thực hiện những bước đi cụ thể, Mỹ và các đối tác phương Tây lại đổ lỗi cho Nga và tiếp tục đe dọa các lệnh trừng phạt. Những động thái này không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo Nga cho rằng, bước đầu tiên để xuống thang tình hình căng thẳng ở Ukraine hiện nay phải là việc bãi bỏ ngay lệnh sử dụng quân đội chống lại người biểu tình trong nước. Phi bạo lực là một trong những tiêu chí mà theo đó Nga sẽ xem xét tính hợp hiến của cuộc bầu cử Tổng thống ở Ukraine.