Trong 3 năm qua, Chính phủ và người dân khu vực Đông Bắc Nhật Bản đã nỗ lực dọn sạch đống đổ nát, xây dựng lại nhà cửa và các công trình xây dựng thiết yếu.
Những con đường ven biển vùng Đông Bắc Nhật Bản 3 năm sau thảm họa ngày 11/3 đã trở nên sạch sẽ và phong quang. Không còn bóng dáng của những đống rác khổng lồ chất cao như núi, hình ảnh vốn rất phổ biến sau sóng thần. Nhật Bản đã dọn thành công 94% số rác thải phát sinh sau thảm họa.
‘ Hình ảnh cây còn sống sót sau thảm họa động đất sóng thần đã trở thành biểu tượng cho sức mạnh Nhật Bản (Ảnh: Reuter)
Tuy nhiên, trên các cánh đồng, những họat động thu gom rác như thế này vẫn diễn ra hàng ngày. Hàng trăm người dân được huy động để thu gom những mảnh sành sứ, kim loại bị trộn lẫn trong đất ruộng.
Ông Tadano Tetsuo, Ủy ban phục hồi tỉnh Fukushima, Nhật Bản cho biết: “Vẫn còn rất nhiều rác thải nằm lẫn trong đất ruộng dọc theo vùng bờ biển. Không dọn sạch chúng đi thì chúng tôi không trồng cấy gì được. Chúng tôi đã bắt đầu thu dọn chúng từ tháng 10/2011. Lúc đầu chúng tôi dọn bằng máy, nhưng với các rác thải nằm lẫn trong đất thì phải nhặt dần dần bằng tay thôi”.
Tại khu vực Đông Bắc, hình ảnh dễ thấy nhất là họat động xây dựng nhà cửa diễn ra rất nhộn nhịp. Khu vực này đã bị sóng thần tàn phá nặng nề trong ngày 11/3 và đã có lúc trở thành bãi đất hoang. Nhưng giờ đây dân cư trong vùng đã xây dựng lại nhà cửa trên nền đất cũ và dọn sạch đống đổ nát.
‘ PV Đức Cường tại nơi xảy ra động đất sóng thần 3 năm trước (Ảnh: VTV Online)
Chính phủ Nhật Bản đã trích ra một khỏan ngân sách đáng kể để hỗ trợ những người mất nhà cửa trong sóng thần. Mức đền bù cho những gia đình có nhà cửa bị hư hại là 500.000 yên, tương đương 5.000 USD. Số tiền này tăng gấp đôi nếu ngôi nhà bị phá hủy hòan tòan. Ngoài ra, Chính phủ cũng cung cấp nhiều khỏan vay dài hạn cho dân cư địa phương xây dựng nhà cửa với giá trị tối đa có thể lên tới 120.000 USD. Các khoản vay này không tính lãi trong 5 năm đầu tiên.
Ông Omoyama, người dân tỉnh Fukushima, Nhật Bản nói: “Tôi vốn là một ngư dân. Nhà của tôi đã bị sóng thần đánh cho vỡ tan. Bây giờ gia đình tôi đang vay tiền Chính phủ để xây nhà mới. Tôi có nghĩa vụ trả nợ cho đến năm tôi 80 tuổi, sau đó nghĩa vụ này sẽ được chuyển sang cho các con của tôi”.
Theo ông Omoyama, mặc dù cuộc sống của gia đình ông và người dân địa phương còn nhiều khó khăn, song họ vẫn đang nỗ lực từng ngày để có thể sớm quay trở lại nhịp sống bình thường như trước khi xảy ra thảm họa.