1. Ghét hình ảnh truyền thông của mình
Khi Nelson Mandela lần đầu tiên được bầu làm Tổng thống Nam Phi, một nhà báo địa phương đã trích dẫn lời của ông trên trang nhất: “Tôi không phải vị cứu tinh”. Các nước Phương Tây xây dựng hình ảnh Mandela như một vị thánh, nhưng ông tự nhận xét về mình: “Tôi chỉ là người đàn ông bình thường trở thành lãnh tụ bởi một tình huống bất thường”.
Mandela rất ghét hình ảnh truyền thông của mình. Ông là một con người, có sai lầm và ông biết mình không phải là vị thần như thế giới kì vọng. Tuy nhiên, chính điều này lại khiến cho câu chuyện về cuộc đời ông mang nhiều màu sắc huyền thoại hơn: một người đàn ông bình thường đấu tranh cho những điều mình tin tưởng và nỗ lực thay đổi thế giới.
2. Là người đào hoa
Theo người viết tiểu sử của Nelson Mandela thì người đàn ông hiện thân của đấu tranh, tự do này từng là “thỏi nam châm” thu hút phái đẹp của Nam Phi những năm 1940. Cuốn sách Mandela thời trai trẻ của David James Smith đã khắc họa chân dung của Nelson như một chàng trai giàu nghị lực, lôi cuốn và quả quyết. Cuốn sách cũng viết rằng, những người phụ nữ “ngã rạp” dưới chân Mandela và chàng trai trẻ ấy có tình cảm với rất nhiều phụ nữ. Bản thân Nelson cũng không muốn giấu diếm điều này và muốn thế giới nhìn nhận ông như một con người bình thường với đầy đủ tham – sân – si.
3. Nỗ lực giúp đỡ bệnh nhân AIDS
Nelson Mandela từng bị chỉ trích gay gắt vì phản ứng chậm trễ với đại dịch AIDS. Đến khi rời ghế Tổng thống, ông bắt đầu chiến dịch chống lại căn bệnh thế kỉ này một cách ráo riết. Theo cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã lập quỹ tiêu tốn hàng triệu USD để chống lại căn bệnh AIDS, Nelson Mandela rất kiên quyết tạo ra sự khác biệt khi ông gửi séc cá nhân để chi trả tiền điều trị cho những người nhiễm HIV. Vì Nam Phi là quốc gia có số lượng người nhiễm HIV lớn nhất thế giới nên nỗ lực của ông Mandela giống như dã tràng xe cát.
4. Là người thành lập ANC
Mandela chính là người đã góp phần thành lập ANC. Mục đích đầu tiên của ông khi lập ra tổ chức này là để chống lại cảnh sát vũ trang tại Nam Phi sau cuộc thảm sát tại Sharpeville. Lúc đó Chính phủ Nam Phi không nhượng bộ mà thẳng tay đàn áp ông Mandela và các nhà hoạt động khác, quyết tâm dập tắt phong trào. Cuối cùng, ông Mandela bị kết án tù chung thân vào năm 1964 với tội danh phá hoại. Sau đó, ANC hoạt động như một tổ chức tự do tách biệt, một nhóm khủng bố.
5. Phản đối việc đàn áp dân lành
Nelson Mandela cực lực phản đối ANC trong các mục tiêu quân sự nhắm vào những người dân vô tội. Trong thời gian ông ở tù, do không có người lãnh đạo nên ANC đã gây ra những cuộc thảm sát đẫm máu. Năm 1977, ANC kí Công ước Geneva nhằm tránh làm đổ máu những người dân vô tội. Tuy nhiên, sau đó các nhà lãnh đạo ANC đã phá vỡ cam kết hoàn toàn không phải do lỗi của Mandela.
6. Hâm mộ ban nhạc Spice Girls
Nelson Mandela là người hài hước, vui nhộn và rất hâm mộ nhóm nhạc nữ Spice Girls và gọi họ là những “anh hùng” bởi tích cực đấu tranh cho nữ quyền. Năm 1997, ông đã có cuộc gặp gỡ ban nhạc pop này và cho rằng đó là những phút giây xúc động nhất trong cuộc đời mình. Theo BBC, ông Mandela mong được gặp nhóm nhạc này hơn cả gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thư kí Liên hợp quốc.
7. Thức ăn yêu thích
Liệu một người đàn ông từng trải qua hàng thập kỉ sống trong tù ngục, thiếu thốn mọi bề, sau đó có đầu bếp riêng, đặt chân tới nhiều khu bếp núc của các lâu đài, cung điện, thích ăn gì nhất? Câu trả lời, đó là lòng bò. Theo cháu gái của cựu Tổng thống Nam Phi, ông thích nhất món lòng bò. Trong bữa tiệc sinh nhật lần cuối của Nelson Madela, cả gia đình cùng thưởng thức món cháo ngô và lòng bò theo yêu cầu của ông.
8. Mỗi năm chỉ được gặp một người khách
Mandela đã trải qua gần 30 năm sống trong nhà tù của chế độ Aparteid. Phần lớn thời gian đó, từ năm 1968 tới 1982, ông bị giam giữ ở đảo Robben và phải lao động cực nhọc như đập đá và mỗi năm chỉ được gặp một người khách, sáu tháng mới được viết hay nhận một lá thư. Bất chấp sự cấm đoán ngặt nghèo của Aparteid, Nelson vẫn học xong bằng luật, tổ chức các cuộc biểu tình trong tù và hỗ trợ những hoạt động biểu tình chống lại chế độ phân biệt chủng tộc này.
9. Bí mật của cái tên
Tên khai sinh của Nelson Mandela là Rolihlahla Dalibhunga Mandela. Từ “rolihlahla” theo sách vở có nghĩa là “kéo cành cây”, còn theo nghĩa thông tục lại là “kẻ gây rắc rối”. Trong cuốn tự truyện Long Walk to Freedom (Tạm dịch: Chặng đường dài tới tự do), Mandela viết rằng khi ông bắt đầu đi học, cô giáo đầu tiên đã đặt cho ông tên tiếng Anh là Nelson, còn tại sao cô giáo lại chọn cái tên đặc biệt đó thì bản thân Mandela cũng không biết.
10. Ngày Mandela
Ngoài giải Nobel và là công dân danh dự của rất nhiều nước, trong đó có Mỹ, Nelson Mandela còn được thế giới dành riêng một ngày gọi tên ông. Theo nghị định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, thế giới lấy ngày 18/7 là “Ngày Mandela”. Ông cũng nhận được bằng danh dự của rất nhiều trường đại học lớn trên thế giới.
11. Là người yêu thơ
Nelson Mandela là người rất yêu thơ. Trong thời gian ngồi tù, ông thường lấy cảm hứng và nghị lực sống từ bài thơ Invictus của nhà thơ người Anh William Ernest Henley. Ông thường xuyên đọc bài thơ này cho các bạn tù ở đảo Robben nghe. Bài thơ nói về quyết tâm không nản chí khi gặp cảnh ngộ. Bộ phim về Nelson Mandela được thực hiện năm 2009 do Morgan Freeman thủ vai chính đã lấy tiêu đề của bài thơ này làm tên phim.