Tàu khu trục USS Mahan của Mỹ là một trong 4 tàu đang trực chờ ở phía Đông biển Địa Trung Hải, gần Syria. (Ảnh: Internet)
Mặc dù các thanh sát viên của LHQ vẫn chưa có kết luận cuối cùng và cũng có những báo cáo của một số nhân chứng cho biết các tay súng nổi dậy ở Syria có thể đứng đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tuần trước, nhưng Mỹ và các nước phương Tây vẫn cáo buộc Tổng thống Bashar al- Assad phải chịu trách nhiệm về vụ việc này.
Hôm 28/8, các Bộ trưởng và tướng lĩnh hàng đầu của Anh đã được triệu tập tới số 10 phố Downing để tham gia một cuộc họp Hội đồng An ninh nhằm xem xét một kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria cùng với các đồng minh. Kết thúc cuộc họp, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Hội đồng An ninh Quốc gia Anh đã nhất trí ủng hộ hành động chống Syria để đáp trả cuộc tấn công bị cho là sử dụng vũ khí hóa học ở quốc gia Trung Đông này. Trong thông báo trên trang mạng Twitter, Thủ tướng Cameron cũng cho biết Anh sẽ đệ trình lên Hội đồng Bảo an LHQ một dự thảo nghị quyết lên án vụ tấn công bằng vũ khí hóa học của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mở đường cho việc thực hiện các biện pháp mà họ gọi là cần thiết để bảo vệ dân thường tại Syria, dựa theo Chương 7 của Hiến chương LHQ, theo đó, cho phép áp dụng biện pháp từ cấm vận cho đến can thiệp quân sự trong trường hợp hòa bình bị đe dọa, bị phá hoại hoặc có hành vi xâm lược.
Tổng thống Pháp Francois Holland hôm 28/8 cũng đã triệu tập phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Quốc phòng với sự tham dự của Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Ngoại giao để tính tới một giải pháp quân sự với Syria.
Phản ứng trước những động thái này, Syria đã cáo buộc Mỹ, Anh và Pháp đang tiếp tay cho những phần tử khủng bố sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, đồng thời cảnh báo chính những nhóm khủng bố này sẽ sớm sử dụng vũ khí hóa học chống lại châu Âu.
Ông Faisal Maqdad, Thứ trưởng Ngoại giao Syria cho biết: “Các nhóm khủng bố vũ trang đã sử dụng khí độc sarin tại tất cả các địa điểm này. Chúng tôi nhắc lại rằng các nhóm khủng bố chính là thủ phạm đã sử dụng vũ khí hóa học với sự tiếp tay của Mỹ, Anh và Pháp và điều này cần phải chấm dứt. Chúng tôi đã cung cấp những bằng chứng này. Và điều nguy hiểm nhất là vũ khí hóa học sẽ sớm bị chính những kẻ khủng bố này sử dụng để chống lại người dân châu Âu”.
Trong lúc này, các nhóm thanh sát viên vũ khí của LHQ đang tiếp tục đi thị sát lấy mẫu phân tích để hoàn tất cuộc điều tra về các cáo buộc vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria. Cho đến lúc này vẫn chưa có một kết luận chính thức nào được đưa ra, nhưng một quan chức cao cấp của LHQ cho biết báo cáo của Tổ chức Bác sĩ không biên giới của Pháp đã cho thấy có chứng cứ từ các nhân chứng về việc quân nổi dậy Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công hôm 21/8, chứ không phải lực lượng quân đội của Chính phủ. Bà Carla del Ponte, một thành viên của Ủy ban Quốc tế độc lập của LHQ điều tra về Syria, nói rằng có những nghi ngờ mạnh mẽ và cụ thể nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng rằng quân nổi dậy đã sử dụng khí độc sarin trong vụ tấn công này, nhưng cũng chưa thấy có bằng chứng nào về sự dính líu của Chính phủ.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon tuyên bố Syria cần một giải pháp ngoại giao và Hội đồng Bảo an LHQ cần duy trì sự hiện diện tại đây.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói: "Một cơ quan có trọng trách duy trì hòa bình và an ninh quốc tế như Hội đồng Bảo an không thể bị bỏ qua. Cuối cùng thì Hội đồng cần phải tìm thấy sự thống nhất trong hành động và phải thể hiện quyền lực vì hòa bình của mình”.
Nga, 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an cũng cho rằng còn quá sớm để Hội đồng Bảo an tính đến biện pháp phản ứng đối với Syria trước khi các thanh sát viên của LHQ công bố kết quả điều tra, đồng thời cảnh báo bất kỳ nỗ lực can thiệp quân sự nào vào Syria đều sẽ gây thêm bất ổn, thậm chí có thể là thảm họa đối với cả khu vực Trung Đông.