Khách du lịch đi bộ dưới làn sương mù ô nhiễm ở Bắc Kinh. (Nguồn: Xinhua)
Ô nhiễm không khí đang xảy ra ngày càng thường xuyên, nguồn nước và đất đai ở nhiều khu vực cũng đang bị ô nhiễm nặng. Một mô hình phát triển ưu tiên tăng trưởng kinh tế sau đó quay lại xử lý môi trường đang gây tranh luận tại Trung Quốc.
Thủ đô Bắc Kinh những ngày tháng 5 dày đặc sương mù bao phủ. Có những ngày tầm nhìn chỉ trong khoảng 1 km, chất lượng không khí tại nhiều khu vực đã bị ô nhiễm lên tới cấp 6 - cấp độ nghiêm trọng nhất. Chính quyền Bắc Kinh đã phải khuyến cáo người dân hạn chế các hoạt động ngoài trời.
Không khí ô nhiễm nhất là vào mùa đông khi việc đốt than cho sưởi ấm tăng cao. Đầu năm 2013, sương mù ô nhiễm đã bao trùm 1/4 lãnh thổ, ảnh hưởng tới một nửa dân số Trung Quốc trong hơn 20 ngày. Mật độ các hạt bụi MP2.5 có ngày đo được lên tới hơn 900 microgram trên/m3 không khí, gấp hàng chục lần tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Giáo sư Đường Nhiệm Ngũ, Giám đốc Viện quản lý ĐH Sư phạm Bắc Kinh cho rằng: "Trong quá trình tăng trưởng, chính sách và biện pháp bảo vệ môi trường không được quan tâm đúng mức, đặc biệt là một số lãnh đạo địa phương đã theo đuổi mục tiêu phát triển thái quá, hy sinh môi trường sinh thái để thực hiện tăng trưởng... Một phương thức phát triển thô sơ, dựa vào đầu tư tài nguyên để kích thích tăng trưởng đã giúp Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong hơn 30 năm qua, nhưng đem lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng là môi trường ô nhiễm, sinh thái bị hủy hoại, làm cho mọi người dân lo lắng. Hiện nay đang là thời điểm mà Trung Quốc phải nhìn nhận lại".
Ô nhiễm môi trường đã bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, gây thiệt hại kinh tế cũng như đe dọa sự phát triển bền vững của Trung Quốc. Theo ước tính, ô nhiễm môi trường đã gây tổn thất 230 tỷ USD, khiến hơn 1,2 triệu người tử vong trong năm 2010. Trung Quốc cũng đã thừa nhận xuất hiện các làng ung thư ở nước này và số ca ung thư phổi tại Bắc Kinh đã tăng 60% trong vòng 10 năm qua.
Theo bà Trần Phượng Anh, Giám đốc Sở nghiên cứu kinh tế thế giới, Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện đại Trung Quốc: "Trung Quốc không thể tiếp tục hy sinh môi trường để thực hiện phát triển với tốc độ cao. Áp lực tài nguyên môi trường không cho phép tiếp tục phát triển tốc độ cao và Trung Quốc cũng đang chuẩn bị tâm lý cho việc phát triển kinh tế với tốc độ trung bình".