Đây là cảnh báo vừa được Tổ chức Y tế thế giới đưa ra, với viễn cảnh trong tương lai, những trường hợp nhiễm trùng nhẹ cũng có thể gây tử vong cho con người.
Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc, trong đó đặc biệt là kháng sinh, báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nêu rõ mối đe dọa nghiêm trọng này không còn là dự báo cho tương lai mà đang diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới mọi người dân ở mọi lứa tuổi và các quốc gia khác nhau.
Ông Jean-Baptiste Ronat, nhà vi sinh vật học, Tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết: “Hai nguy cơ chính là việc sử dụng và lạm dụng kháng sinh trong các nhà máy chế biến thực phẩm và chăn nuôi. Điều thứ hai là việc lạm dụng thuốc trên con người. Cần phải lưu ý rằng phần lớn thời gian mọi người dùng thuốc kháng sinh là khi họ bị cảm lạnh thông thường, và cũng bởi bệnh nhân muốn dùng thuốc kháng sinh”.
Các chuyên gia cảnh báo nếu không phối hợp hành động tức thời, thế giới sẽ đối mặt với một kỷ nguyên “hậu thuốc kháng sinh”, khi đó các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những vết thương nhỏ trước đó có thể chữa trị được thì nay có thể gây chết người do kháng thuốc kháng sinh.
Theo WHO, người dân có thể giúp giải quyết tình trạng kháng thuốc này bằng việc chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có chỉ định của bác sỹ, uống đủ liều theo đơn kê dù đã cảm thấy đỡ bệnh hơn. Trong khi đó, ngành y và giới chuyên môn có thể giúp giải quyết vấn đề này bằng việc thúc đẩy phòng ngừa và kiểm soát tình trạng nhiễm trùng; chỉ kê đơn và cấp thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết và cấp phát đúng thuốc kháng sinh cho từng loại bệnh.