Triệu hồi xe - Trách nhiệm của các nhà sản xuất với người dùng

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 28/07/2019 17:54 GMT+7

VTV.vn - Đối với nhà sản xuất, việc triệu hồi là cơ hội để họ thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và minh chứng cho giá trị thương hiệu, vì sự an toàn chung của cộng đồng.

Trung bình mỗi chiếc xe được cấu tạo từ 30.000 - 40.000 chi tiết, từ các chi tiết bên ngoài, bên trong, máy móc và phụ tùng xe hơi đến từng con ốc. Với trung bình 60 triệu xe được sản xuất ra mỗi năm, 7,6 tỷ người trên trái đất sẽ sản xuất trung bình một linh kiện cho mỗi xe một ngày. Và với hàng chục nghìn chi tiết kỹ thuật, đặc biệt những chi tiết ngày một hiện đại và có liên kết chặt chẽ với nhau, các nhà sản xuất rất khó để loại trừ hoàn toàn lỗi trên một chiếc xe thành phẩm.

Được xếp vào nhóm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (nhóm 2), mỗi một chiếc xe cũng sẽ phải trải qua nhiều quy trình kiểm tra trước khi xuất xưởng cũng như thử nghiệm tại nhiều phòng thí nghiệm lớn của nhà sản xuất cũng như trên thế giới để đảm bảo đầy đủ những tính năng an toàn.

Nhưng kiểm tra dù thế nào cũng không thể bằng việc vận hành ở điều kiện thực tế. Trung bình một mẫu xe được sản xuất nếu thành công như chiếc Ford F-Series - 1,076,153 và Toyota Corolla - 934,348, hai mẫu bán chạy nhất năm 2018, có nghĩa là mỗi hãng sẽ có khoảng 1 triệu xe, thử nghiệm ở 1 triệu điều kiện khác nhau trên thế giới, với hơn 1 triệu người sử dụng thường xuyên.

Theo một báo cáo của Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA), trung bình mỗi năm nước này có khoảng từ 10,2 đến 30,8 lượt phương tiện bị các hãng triệu hồi, đặc biệt con số này trong năm 2015 là 51,2 triệu lượt.

Triệu hồi ở một góc độ nào đó, để khắc phục và sửa chữa đã trở thành một phần tất yếu của ngành công nghiệp xe hơi, do vậy vẫn cần đảm bảo đầy đủ các quy trình. Theo quy tắc thông thường, việc triệu hồi xe sẽ được quy về cơ bản 2 hình thứ là theo công bố của nhà sản xuất và theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra. Đối với triệu hồi theo công bố, nhà sản xuất hay nhập khẩu sẽ nghiên cứu lỗi trên các thông tin thu thập được, quá trình này thường sẽ phải mất nhiều thời gian để xác minh và thử nghiệm, sau đó gửi kế hoạch tới cơ quan có thẩm quyền, tại Việt Nam là Cục Đăng kiểm.

Hiện tại, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp bắt buộc triệu hồi nào từ Tổng cục Đăng kiểm nhưng trên thế giới, khi chính quyền vào cuộc, việc triệu hồi sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Những năm 70 của thế kỷ trước, Ford bị Chính phủ Mỹ yêu cầu triệu hồi 1,4 triệu chiếc Pinto do nổ bình nhiên liệu cùng cáo buộc hình sự giết người. Năm 2015, bê bối của Volkswagen ảnh hưởng tới toàn bộ nhà máy sản xuất động cơ diesel tại Mỹ và châu Âu, khiến nhà làm luật phải đưa ra quy định thắt chặt khí thải động cơ diesel. Scandal khiến công ty thiệt hại hơn 30 tỷ USD tại Mỹ.

Tại Việt Nam, triệu hồi xe trong thời gian gần đây được dư luận hết sức quan tâm bởi tính từ đầu năm đến nay, không chỉ các hãng xe bình dân mà cả những thương hiệu xe sang đều phát lệnh triệu hồi. Tính riêng trong năm 2018 và nửa đầu 2019, đã có tổng cộng 18 nhà sản xuất lắp ráp và nhập khẩu đã tiến hành gần 70 đợt triệu hồi tại Việt Nam; trong đó điển hình Mercedes với 12 lần, Toyota 10 lần, Ford 10 lần. Trên tổng số 61 đợt đối với ô tô, 7 đợt triệu hồi với xe máy, đã có những đợt triệu hồi lên đến hàng chục ngàn xe dùng chung túi khí của nhà sản xuất Takata và triệu hồi để khắc phục lỗi trên cả các xe đã được sản xuất từ nhiều năm trước. Tuy vậy, không cứ những chiếc xe mắc những lỗi nghiêm trọng thì sẽ phải bị triệu hồi, đôi khi đó chỉ là những nâng cấp đơn giản.

Nhìn chung, với một chiếc xe hàng chục nghìn chi tiết, việc triệu hồi để khắc phục những sự cố sẽ mang lại những chiếc xe an toàn và bền bỉ hơn. Còn đồi với nhà sản xuất, đây cũng là cơ hội để họ thể hiện sự chuyên nghiệp, trách nhiệm và minh chứng cho giá trị thương hiệu, vì sự an toàn chung của cộng đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước