Cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 30/05/2020 15:05 GMT+7

VTV.vn - Ngày 28/5 vừa qua, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đây là dự án luật thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư, doanh nhân. Trên thực tế, hình thức đầu tư PPP đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 20 năm trong dạng thức các công trình BOT, BT. Tuy nhiên, luật riêng về PPP chưa có mà tất cả các hoạt động PPP vẫn chỉ được điều chỉnh bằng các Nghị định, khiến phương thức đầu tư này chưa phát huy được hiệu quả thu hút dòng vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, khu vực đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, trong khi nguồn ngân sách Nhà nước còn có hạn.

Thời gian qua, việc thực hiện dự án PPP theo chính sách ở cấp Nghị định đã bộc lộ nhiều bất cập. Sau gần 1 năm rưỡi đi vào khai thác, tình hình thu phí tại dự án BOT xây dựng cầu Bạch Đằng tiếp tục lao dốc. Đặc biệt, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu tại trạm BOT cầu Bạch Đằng càng giảm mạnh.

Cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - Ảnh 1.

Khi dịch COVID-19 bùng phát, doanh thu tại trạm BOT cầu Bạch Đằng giảm mạnh. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, năm 2019, khoảng 50% số dự án BOT giao thông đã bị giảm doanh thu. Nhiều dự án đứng trước nguy cơ thua lỗ, thu không đủ trả lãi vay ngân hàng do dự án kéo dài nhiều năm và khả năng thu hồi vốn cũng kéo dài.

Trong khi đó, đã 3 năm nay hầu như không dự án BOT mới nào được khởi công. Theo phân tích của các chuyên gia, nhà đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT trong thời gian qua không mặn mà với hình thức đầu tư này do vấp phải rất nhiều khó khăn.

Yêu cầu tăng cường đầu tư theo hình thức đối tác công tư để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ công của Việt Nam rất cấp thiết. Nếu không có cơ chế đột phá, hấp dẫn, linh hoạt thì rất khó cạnh tranh thu hút nguồn lực. Một cơ chế tốt cần có một hệ thống pháp luật tốt. Luật PPP được xây dựng ở thời điểm việc thực hiện các dự án BOT, BT thời gian qua đã được tổng kết, đánh giá lại với một số kết quả tích cực, nhưng cũng có nhiều hạn chế. Vì vậy, có 3 yêu cầu chính được đặt ra cho luật này: Thứ nhất là chống thất thoát, chống lợi dụng, đảm bảo lợi ích của Nhà nước; Thứ hai là minh bạch, hiệu quả, đảm bảo tính cạnh tranh, an toàn và hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư; Thứ ba là tiếp cận với các thông lệ tốt của quốc tế.

Cần thiết ban hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) - Ảnh 2.

Công trình cầu vượt đường Việt Bắc trên đường Bắc Sơn kép dài (Thái Nguyên), thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), đang gấp rút được triển khai. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong kỳ họp lần này. Đây có thể coi là một đột phá quan trọng để khích lệ các nhà đầu tư đóng góp nhiều hơn những dự án công trình cho đất nước.

Tuy nhiên, việc xây dựng dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP được đánh giá là khó và phức tạp. Chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này đã mời tới trường quay ông Đỗ Văn Sinh (Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP) và ông Nguyễn Đăng Trương (Cục trưởng Cục Đấu Thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan soạn thảo dự án Luật này) để làm rõ hơn một số điểm của dự án Luật còn đang có nhiều tranh luận trên nghị trường Quốc hội.

Luật đối tác công tư PPP: Kỳ vọng về một cú hích cho đầu tư tư nhân Luật đối tác công tư PPP: Kỳ vọng về một cú hích cho đầu tư tư nhân

VTV.vn - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối năm ngoái, có tổng cộng 336 dự án đầu tư theo hình thức PPP được ký kết, với tổng vốn khoảng 1,6 triệu tỷ đồng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước