Tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học. Năm 2016, 11/13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đã phải công bố tình trạng thiên tai, do xuất hiện hạn mặn chưa từng có trong vòng 100 năm qua. Mỗi năm có 300 ha lãnh thổ mất đi do sạt lở, cùng với đó là nước mặn, nước lợ gia tăng, sụt lún đất và nước biển dâng, tác động lớn đến sinh kế của người dân. Việt Nam đang ở đâu trong cuộc chiến chống lại sự tác động của biến đổi khí hậu? Cần làm gì để hạn chế tối đa những hậu quả xảy ra?
Những câu hỏi này sẽ được bàn luận trong chương trình Sự kiện và Bình luận tuần này, với sự tham gia của ông Bruno Angelet – Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu và ông Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đánh giá tình hình biến đổi khí hậu, ông Tăng Thế Cường nhận định Việt Nam đang chịu những tác động mạnh mẽ của tình trạng này, với mức độ ngày càng tăng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn cầu khi mực nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu. Trên 12% bờ biển sẽ bị ngập dưới mực nước biển 1m. Đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng là vùng trũng nên bị ảnh hưởng nhiều nhất khi xảy ra ngập lụt, xâm nhập mặn và các hình thái thời tiết xấu.
Đặc biệt, Đồng bằng song Cửu Long là khu vực chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. Ông Tăng Thế Cường cho biết Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết tình trạng tại khu vực này.
"Một là rà soát cơ chế, chính sách liên quan tới phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long. Hai là tăng cường điều tra cơ bản, cập nhật số liệu để xây dựng bộ cơ sở dữ liệu liên ngành. Ba là xây dựng quy hoạch tổng thể và tổ chức lãnh thổ ở nơi này. Thứ tư là xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý trong đó xác định mô hình chuyển đổi quy mô lớn nhằm phù hợp với đặc điểm sinh thái, con người, điều kiện tự nhiên của Đồng bằng sông Cửu Long mà có thể thích ứng được với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững", ông Tăng Thế Cường nói.
"Chính phủ sẽ đầu tư các dự án về kết cấu hạ tầng, cầu cống, công trình hạ tầng thay đổi để thích ứng trong tương lai, kèm theo đó là các giải pháp về huy động nguồn lực tài chính, giải pháp về công nghệ và hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho vùng này", ông Tăng Thế Cường cho hay.
Bổ sung ý kiến của ông Tăng Thế Cường, ông Bruno Angelet cho rằng khi nói tới tương lai của Đồng bằng sông Cửu Long cần nhắc đến sự hợp tác trong khu vực. Điều này rất quan trọng.
"Là thành viên của khu vực sông Mekong, Việt Nam có nhiều cơ hội để tiếp cận với các vấn đề lớn ở cấp độ khu vực", ông Bruno Angelet nói.