Chủ đề chính được bàn luận trong chương trình Sự kiện và bình luận hôm nay là việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi - cụ thể là chất tạo nạc - đang gây nhức nhối trong dư luận thời gian qua. Tình trạng này tuy không mới nhưng lại đang có dấu hiệu bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam, bao gồm TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, Bến Tre…
Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chất tạo nạc thuộc nhóm Beta-Agonists đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách cấm sử dụng từ năm 2002, trong nhóm Beta-Agonists có 3 chất: Salbutamol, Clenbuterol, Ractopamine. Chất cấm đang được sử dụng rộng rãi trong chăn nuôi hiện nay chủ yếu là Salbutamol.
Là chất nằm trong danh sách cấm nhưng tại sao người chăn nuôi vẫn có thể dễ dàng mua và sử dụng trong chăn nuôi? Lý giải về điều này, ông Nguyễn Xuân Dương nói: “Salbutamol là một chấm cấm trong chăn nuôi nhưng lại là một sản phẩm được chỉ định hỗ trợ điều trị đối với các bệnh hen, suyễn. Tận dụng kẽ hở đó, nhiều đã sử dụng salbutamol - một dược phẩm y tế - một cách sai mục đích trong chăn nuôi”.
Trước câu hỏi về sự nguy hại của chất tạo nạc đối với sức khỏe con người, ông Nguyễn Xuân Dương nói: “Chúng tác động vào hệ cơ, hệ mạch, gây run cơ, co cơ, suy tim, suy hóa hô hấp, phù phổi và có thể khiến phụ nữ bị sảy thai. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch, nếu sử dụng nhiều thực phẩm có chứa chất tạo nạc, có khả năng tử vong”.
Nếu như trước đây, để nhận biết một con lợn bị tiêm chất tạo nạc, người tiêu dùng thường chú ý đến những đặc điểm như vai to, hông nở. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những người chăn nuôi đã dùng nhiều chiêu thức tinh vi hơn để qua mắt người tiêu dùng. Thậm chí, với tư cách là một chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương cho biết rất khó để nhận ra loại thịt bị tiêm chất tạo nạc trong vô số những thịt đang được bày bán ngoài chợ. “Chúng ta chỉ có thể biết được loại thịt nào được tiêm chất tạo nạc thông qua thử nghiệm, phân tích các sản phẩm như thịt, mô bào, gan thận trong phòng thí nghiệm”, ông chia sẻ.
Dù rất khó để phân biệt loại thịt sạch với loại thịt đã được tiêm chất cấm nhưng ông Nguyễn Xuân Dương cũng tiết lộ một số mẹo nhỏ dành cho những người tiêu dùng: “Khi đi mua thịt, đặc biệt là thịt lợn, chúng ta cần lựa chọn những cơ sở, người bán có uy tín, có trách nhiệm”.
Bên cạnh đó, theo ông, thịt lợn sạch và thịt lợn tiêm chất cấm có thể có sự khác biệt nhất định về màu sắc. Người tiêu dùng nên bỏ qua những miếng thịt có màu sắc tươi đỏ khác thường. Một điểm đặc biệt khác cần lưu ý chính là độ nạc của miếng thịt. Nếu thấy vùng chân giò hoặc cơ thăn, cơ vai quá nạc, người tiêu dùng cũng cần thận trọng.
Để theo dõi thêm về chủ đề này, mời quý vị và các bạn xem video dưới đây:
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!