Quy mô GDP tăng 25,4% sau khi đánh giá lại, Việt Nam được lợi gì?

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 07/09/2019 13:37 GMT+7

VTV.vn - Sau khi điều tra lại, GDP của Việt Nam từ 2010 - 2017 tăng 25,4%. Con số này được cho rằng sẽ giúp ích cho quá trình hoạch định chính sách trong tương lai ở nước ta.

Sau khi được đánh giá lại với mức tăng thêm 25,4%, tính cả tốc độ tăng trưởng năm 2018 và nửa đầu năm 2019, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đã vượt con số 300 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăn thêm 400 USD.

Rõ ràng, đó là những con số mang lại tín hiệu tích cực, lạc quan. Nhưng nó cũng đặt ra cho chúng ta không ít câu hỏi, đó là: vì sao phải đánh giá lại quy mô GDP? Cách tính trước đó có gì đó chưa ổn? Hay là điều gì khiến cho mức tăng thêm cao như vậy?… Những băn khoăn này đã làm rõ hơn trong chương trình Sự kiện và Bình luận.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 5 nhóm nguyên nhân khiến kết quả về GDP thay đổi sau khi đánh giá lại. Trong đó, có 4 nhóm nguyên nhân khiến GDP tăng và 1 nhóm nguyên nhân khiến GDP giảm.

"Đầu tiên là bởi từ kết quả điều tra kinh tế tổng điều tra nông thôn nông nghiệp, chúng ta bổ sung cập nhật số doanh nghiệp bị bỏ sót. Đồng thời, chúng tôi có điều tra về lâm nghiệp nên đã tính toán tốt hơn sản lượng ngành lâm nghiệp. Cụ thể, lần đầu tiên Bộ NN&PTNT phối hợp Tổng cục Thống kê làm điều tra, số liệu trước đây đánh giá thấp hơn 1.000.000 m3. Nhóm nguyên nhân thứ hai là bởi chúng tôi sử dụng dữ liệu từ hồ sơ hành chính, phối hợp với Tổng cục Thuế, chúng tôi thấy rằng danh sách doanh nghiệp hành chính sự nghiệp so với thuế là thấp hơn, chúng tôi đã bổ sung, đồng thời từ tư liệu của Tổng cục Thuế, chúng tôi đã điều tra quy mô, doanh thu giữa bên Tổng cục Thống kê và bên Thuế có được.

Nhóm nguyên nhân thứ 3 là áp dụng quy định mới về thống kê của Liên Hợp Quốc. Cụ thể, những hoạt động như nghiên cứu triển khai, gia công chế biến… được tính là ngành phụ thuộc, chi phí trung gian của ngành khác. Nhưng nay đó là những ngành kinh tế độc lập, được tính như các ngành khác.

Nhóm nguyên nhân tiếp theo là áp dụng phân ngành mới. Chúng ta đều đặn có cập nhật bảng phân ngành kinh tế quốc dân, phân ngành sản phẩm. Áp dụng bảng phân ngành mới, chúng tôi ra soát sắp xếp một số doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp.

Nhóm nguyên nhân cuối cùng là nhóm làm giảm quy mô GDP, trong đó chúng tôi rà soát lại yếu tố trung gian do sắp xếp lại các ngành kinh tế, doanh nghiệp…", ông Nguyễn Bích Lâm cho biết.

Bổ sung về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái - Tổng Thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng con số GDP tăng 25,4% không có nghĩa là nền kinh tế có thêm một khoản tiền nào đó. Kết quả thống kê chỉ làm rõ hơn những mảng còn mờ trong quá khứ, phản ánh thực chất hơn nền kinh tế. Tuy nhiên, kết quả này lại có tác dụng lớn cho hoạch định chính sách trong tương lai.

"Người Việt có mức sống cải thiện là điều đã rõ ràng" - ông Nguyễn Quang Thái phân tích - "Theo quan điểm phát triển bao trùm, không chỉ người nghèo mà cả những người trung lưu, khá giả cũng có thu nhập tốt hơn. Ngành thống kê chỉ là căn cứ trên cơ sở thông tin để phản ánh trung thực, rõ nét hơn thực trạng của nền kinh tế. Sự thay đổi của người dân không phải vì con số tăng 25.4% của GDP, chúng ta phải hiểu nó theo nghĩa rằng do nhìn nhận rõ hơn thực trạng và tiềm lực của đất nước, các nhà hoạch định chính sách có thể tổ chức, bố trí tốt hơn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp hoạt động tốt hơn".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước