Bạc hà - Dược liệu giải cảm, giảm căng thẳng

Nguyễn Liên, icon
02:48 ngày 17/12/2018

VTV.vn - Bạc hà có công dụng rất tốt trong giải cảm, trị bệnh đau đầu, đau bụng và đặc biệt là các chứng uất do stress kéo dài.

Bạc hà (Hình minh họa: thegreengrocery.co.za)

Theo Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng thuốc dân tộc, bạc hà thuộc loại cây thảo, sống lâu năm. Trong Đông y, bạc hà có vị cay thơm, tính ấm, có tác dụng tán phong nhiệt, hạ sốt, thông mũi, chữa nhức đầu, chữa đau bụng và rất tốt cho tiêu hóa. Khi chế biến thành vị thuốc, người ta thường lấy lá bạc hà khô, tẩm nước, để vào chỗ râm mát, khi lá cây mềm, cắt ngắn từng đoạn, phơi trong râm cho khô để dùng. Hoặc cũng có thể lấy lá cây rửa qua, để ráo nước, cắt ngắn chừng 2cm, phơi trong râm cho khô.

Bạc hà thường được dùng phối hợp với nhiều thuốc khác. Tinh dầu bạc hà và menthol có tác dụng xát khuẩn, xoa bóp nơi sưng đau như khớp xương, thái dương khi nhức đầu. Cây khô bạc hà được dùng làm thuốc chống co thắt, gây trung tiện, tống hơi trong ruột ra, làm dễ tiêu, làm lạnh, gây tác dụng kích thích, điều kinh, lợi tiểu. Nước hãm lá bạc hà lại dùng điều trị bệnh thấp khớp và chứng ăn không tiêu. Tinh dầu bạc hà đã loại menthol được dùng làm thơm nước súc miệng, kem đánh răng và các dược phẩm.

Bạc hà còn có công dụng giải uất ức lo buồn với bài thuốc điển hình có công thức: sài hồ 40g, đương quy 40g, bạch thược 40g, bạch truật 40g, bạch linh 40g, chích thảo 20g, bạc hà 20g. Tất cả tán bột, mỗi lần dùng từ 8 đến 12g uống với nước sắc gừng nướng. Cũng có thể dùng thuốc thang sắc uống.

Liều dùng bạc hà ở từng dạng thuốc là khác nhau. Với lá và toàn cây bạc hà, ngày uống từ 4 đến 8g dưới dạng thuốc hãm. Với tinh dầu bạc hà và menthol, dùng một lần từ 0.02 đến 0.20ml, một ngày dùng từ 0.06 đến 0.60ml. Còn dùng dưới hình thức cồn( lá bạc hà 50g, tinh dầu bạc hà 50g, cồn vừa đủ 1 lít), ngày dùng nhiều lần, mỗi lần từ 5 đến 15 giọt, cho vào nước nóng uống.

Lưu ý, bạc hà kiêng kỵ với người gầy yếu, suy nhược toàn thân, táo bón, huyết áp cao và trẻ em dưới 1 tuổi.

Bạc hà - Dược liệu giải cảm, giảm căng thẳng - Ảnh 1.

Tinh dầu bạc hà (Hình minh họa: ocean985.com)

Một số bài thuốc có bạc hà trong y học dân gian:

Thuốc chữa nôn, thông mật, giúp tiêu hóa: Lá hay toàn cây bạc hà bỏ rễ (5g), pha vào 200ml nước sôi, cách 3 giờ uống một lần. Có thể dùng cồn bạc hà theo công thức kể trên để uống thay, mỗi lần uống từ 5 đến 10 giọt hoặc hơn.

Chè cảm mạo chữa nhức đầu: lá bạc hà (6g), kinh giới (6g), phòng phong (5g), bạch chỉ (4g), hành hoa (6g). Đổ nước sôi vào, hãm 20 phút, uống lúc đang nóng.

Trị phong nhiệt, hóa đàm, làm thanh sảng đầu mặt, thông lợi yết hầu ngực bụng: Bạc hà tán bột luyện mật làm viên hoàn như hạt ngô đồng, mỗi lần ngậm 1 hoàn. Cũng có thể hòa bột thuốc với đường cát ngậm.

Trị phong nhiệt gây đau đầu, đau mắt: Bạc hà 5g, cúc hoa dại 9g, lá dâu 9g. Tất cả hãm cùng nước sôi uống (nếu sắc thuốc cho bạc hà vào sau cùng).

Trị đau răng do phong hỏa: Bạc hà 10g, cúc hoa dại 10g, bạch chỉ 6g, hoa tiêu 2g, tổ ong 9g. Đổ 300ml nước sắc đến khi còn 200ml, đợi hơi nguội rồi ngậm súc miệng từ 5 đến 10 phút, mỗi giờ súc một lần.

Trị mắt toét (mí mắt viêm nứt tấy đỏ): Bạc hà tẩm nước cốt gừng để một đêm, phơi khô tán bột, mỗi lần dùng 4g hãm  nước sôi, chờ bớt nóng rồi rửa mắt.

Trị phong ngứa: Bạc hà, thiền thoái (xác ve) lượng bằng nhau, tán bột, mỗi lần uống 4g với rượu ấm.

Trị bệnh lỵ ra máu: Lá bạc hà sắc nước uống.

Trị đổ máu cam không dứt: Vắt nước cốt bạc hà tươi nhỏ vào mũi. Hoặc dùng loại khô hãm lấy nước tẩm bông nhét vào mũi.

Trị ong hay bọ cạp rắn rết cắn: Bạc hà (tươi) vò xát dán lên chỗ bị cắn.

Trị đau trong tai: Bạc hà tươi giã vắt nước nhỏ vào tai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục