Báo động thừa cân, béo phì ở trẻ em

Tuấn Bảo, icon
08:31 ngày 23/07/2019

VTV.vn - Thừa cân, béo phì ở trẻ em là một trong những thách thức về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất thế kỷ 21.

Hình minh họa.

Hiện nay, tỷ lệ mắc béo phì ở trẻ em và thiếu niên đang gia tăng ở mức đáng báo động. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 có 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 - 19 tuổi mắc thừa cân, béo phi. Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở nhóm đối tượng này đã tăng gấp 4,5 lần chỉ trong vòng hơn 40 năm qua.

Tại Việt Nam, tỷ lệ thừa cân, béo phì có sự gia tăng nhanh trong thập niên qua, đặc biệt là ở các khu vực thành thị. Theo kết quả điều tra năm 2014 - 2015 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ béo phì ở trẻ em TP.HCM và khu vực nội thành Hà Nội lần lượt là 50% và 41%.

Nguyên nhân của thừa cân, béo phì

Thừa cân, béo phì là tình trạng tích lũy mỡ bất thường hoặc vượt quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Nguyên nhân cơ bản của thừa cân, béo phì là do sự mất cân bằng giữa lượng năng lượng ăn vào và lượng năng lượng tiêu thụ. Khi lượng năng lượng ăn vào nhiều hơn mức năng lượng tiêu thụ, cơ thể sẽ chuyển hóa và tích lũy năng lượng dư thừa dưới dạng mỡ trong các cơ quan của cơ thể. Nếu quá trình này được lặp đi lặp lại và duy trì trong thời gian dài sẽ dẫn đến thừa cân, béo phì.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất cân bằng này như chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, gia tăng chế độ ăn có đậm độ năng lượng cao, giàu chất béo, gia tăng các hoạt động tĩnh tại (xem tivi, chơi điện tử...). Trẻ có cân nặng sơ sinh quá cao, suy dinh dưỡng thấp còi, hay ăn vặt, thích ăn ngọt, uống nước giải khát, ăn thức ăn nhanh, ăn nhiều vào buổi tới trước khi đi ngủ đều có nguy cơ thừa cân, béo phì.

Ngoài ra, xã hội, môi trường, yếu tố di truyền ở trẻ có bố mẹ mắc thừa cân, béo phì, ngủ ít cũng là những yếu tố gây thừa cân béo phì ở trẻ.

Hậu quả của thừa cân, béo phì

Béo phì ở trẻ em làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh cũng như tàn tật và tử vong sớm do một số bệnh không lây nhiễm khi trưởng thành. Nhiều bằng chứng cho chấy: trẻ em mắc béo phì có nguy cơ mắc một số bệnh không lây nhiễm cao hơn như bệnh tim mạch, đề kháng insulin, đái tháo đường, rối loạn cơ xương khớp, một số bệnh ung thư và ảnh hưởng tới tâm lý trẻ...

Tuy vậy, thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm phần lớn có thể phòng ngừa được thông qua chế độ ăn uống hợp lý và hoạt động thể chất thường xuyên. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến việc phòng ngừa tình trạng này cho trẻ và cần loại bỏ quan niệm: trẻ càng to béo là càng khỏe.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục