Đắk Lắk: Cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị phòng bệnh bạch hầu

Mỹ Hạnh, icon
07:35 ngày 03/09/2019

VTV.vn - Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh ghi nhận có 4 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, 1 trường hợp đã tử vong.

Bệnh nhân đang điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên.

Hiện tại, Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’Gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên đang điều trị cho 35 trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân dương tính với bạch hầu và có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, như sốt, ho.

Ngay sau khi có chẩn đoán trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại xã Ea H’Ding, huyện Cư M’Gar, Sở Y tế đã trực tiếp đến vùng dịch, kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời chỉ đạo cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị cho gần 1.000 người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh. Tiến hành phun hóa chất diệt khuẩn, cắm biển báo cách ly, tuyên truyền, vận động người dân hạn chế đi vào vùng dịch.

Đối với công tác điều trị, ngành y tế Đắk Lắk đã thiết lập 3 khu vực điều trị bệnh nhân (khu vực khám sàng lọc, theo dõi chỉ định ban đầu ngay tại Trạm Y tế xã Ea H’Ding; hai khu vực tiếp nhận điều trị là Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’Gar và Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên). Sẵn sàng thuốc, trang thiết bị y tế, khu vực cách ly để tiếp nhận và điều trị người mắc bệnh bạch hầu hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Qua đó, chủ động trong công tác phòng lây nhiễm chéo, hạn chế thấp nhất di chứng và tử vong do bệnh bạch hầu.

Đắk Lắk: Cấp hơn 20.000 viên thuốc đặc trị phòng bệnh bạch hầu - Ảnh 1.

Bệnh nhân nghi mắc bệnh bạch hầu đang điều trị cách ly tại Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’Gar.

Về giải pháp ứng phó với bệnh bạch hầu trong thời gian tới, Sở Y tế Đắk Lắk cho biết sẽ tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch khẩn cấp để phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn toàn tỉnh. Tổ chức tập huấn ngay cho các bác sĩ điều trị và cán bộ y tế dự phòng trên địa bàn huyện Cư M’Gar về công tác giám sát, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu. Điều tra đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng chưa đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng tại xã Ea H’Ding để xây dựng kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 45 tuổi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục