Dinh dưỡng trước và sau phẫu thuật

Linh Chi, icon
10:07 ngày 23/08/2019

VTV.vn - Việc được nuôi dưỡng để có một thể trạng tốt trước phẫu thuật có liên quan đến kết quả điều trị sau mổ và đã được nhiều chuyên gia nghiên cứu.

Lý do phải dinh dưỡng tốt trước mổ

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), một bệnh nhân khi được phẫu thuật là một stress đối với cơ thể. Để đáp ứng với tình trạng stress này, cơ thể sẽ tiết ra các hormone như cortisol, epinephrine, glucagon, GH, aldosterol, ADH... làm tăng nhu cầu chuyển hóa, nên cơ thể cần nhiều năng lượng hơn. Sau mổ, sự lành vết thương, cơ thể có quá trình đáp ứng viêm, tiết ra những chất kích hoạt các tuyến nội tiết tiết ra các chất tương tự như với stress, vì vậy nhu cầu năng lượng càng tăng hơn nữa.

Nếu không dinh dưỡng tốt sẽ chậm lành vết thương, khó cai máy thở (đối với các bệnh nhân phải thở máy sau mổ), suy dinh dưỡng, nhiễm trùng vết mổ... Từ đó, làm tăng tỷ lệ tử vong cho người bệnh. Nếu dinh dưỡng tốt sẽ giảm được thời gian nằm viện, giảm chi phí điều trị cho người bệnh, giảm đáng kể tỷ lệ các biến chứng.

Khi vào bệnh viện có nên bổ sung dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch?

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng: Dinh dưỡng bằng đường miệng tốt hơn nhiều so với truyền dung dịch dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Các dung dịch dinh dưỡng có sẵn thường thiếu các chất cần thiết như glutamine, hay các chất tiền viêm Omega - 6 hơn là Omega - 3, một chất kháng viêm.

Truyền đường tĩnh mạch còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm tắc các mạch ngoại vi, trong khi đó, hệ thống đường ruột là một hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn vào máu. Mặt khác, gan cũng có khả năng này. Do đó, chỉ dùng đường tĩnh mạch khi có chống chỉ định dinh dưỡng qua đường miệng: tắc ruột, viêm phúc mạc cấp, thủng tạng rỗng, viêm tụy cấp...

Đối với các bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng nên được bổ sung dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng ít nhất 7 ngày trước các phẫu thuật, nhờ đó sẽ giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong. 

Các bệnh nhân được đánh giá dinh dưỡng như thế nào trước mổ?

Khi vào bệnh viện, các bác sĩ đánh giá dinh dưỡng bệnh nhân qua hỏi bệnh sử, thăm khám và các xét nghiệm hỗ trợ. Có nhiều phương pháp để đánh giá dinh dưỡng trước mổ cho bệnh nhân.

Ví dụ: Phương pháp MST dựa trên sự sụt cân, khả năng ăn uống: chán ăn, nôn sau ăn, hay giảm ăn do các bệnh lý thực thể ở đường tiêu hóa như u dạ dày, tắc ruột... Hay phương pháp NRS dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng cánh tay, ăn kém, sụt cân trong vòng 3 tháng gần đây, bệnh nặng đi kèm.

Xét nghiệm chỉ số albumin và prealbumin trong máu cũng là một cách để đánh giá dinh dưỡng. 2 chỉ số xét nghiệm này còn được dùng để đánh giá hiệu quả sau khi can thiệp dinh dưỡng cho bệnh nhân.

Trước ngày được phẫu thuật người bệnh nên ăn uống thế nào?

Trước các ca phẫu thuật chương trình, người bệnh phải nhịn ăn để tránh nguy cơ hít sặc dịch dạ dày vào đường thở khi gây mê đặt nội khí quản, vì hít sặc gây viêm phổi hít, tăng nguy cơ tử vong. Đó là lý do lâu nay, các bệnh nhân được dặn nhịn ăn, nhịn uống nhiều giờ trước mổ.

Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu gần đây, người bệnh trước ngày phẫu thuật chỉ cần nhịn ăn 6 tiếng trước mổ đối với thức ăn đặc, 2 tiếng đối với nước trong. Vì khi nhịn đói lâu hơn, cơ thể sẽ dùng nguồn glucose dự trữ có trong gan và cơ, làm giảm sức cơ, rối loạn đường huyết, chậm lành vết thương do còn quá trình tăng dị hóa đạm sau mổ. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Ở những bệnh nhân nhịn đói lâu hơn, lượng dịch dạ dày không ít hơn và nguy cơ hít sặc cũng không thấp hơn so với những bệnh nhân nhịn uống chỉ 2 giờ trước phẫu thuật.

Một nghiên cứu trên 880 bệnh nhân cho thấy: uống 800ml nước đường 12,5% vào buổi tối trước ngày phẫu thuật, 400ml trước mổ 2 - 3 giờ làm giảm nhu cầu insulin, ít tăng đường huyết hơn và giảm rõ tổn thương cơ tim so với nhóm dùng giả dược. Ngoài ra việc tăng phục hồi sau mổ, giảm tỷ lệ biến chứng và tử vong sau mổ cũng được chứng minh trong nhiều nghiên cứu ở các quốc gia tại Châu Âu, Trung Quốc, Brazil, Canada và New Zealand trong phẫu thuật bụng, chỉnh hình, tim và cắt tuyến giáp.

Chế độ dinh dưỡng sau mổ

Sau mổ, nên cho ăn lại qua đường miệng trong vòng 24 giờ nếu không có chống chỉ định. Dinh dưỡng sớm sau mổ làm giảm rõ rệt tỷ lệ tử vong sau mổ. Dinh dưỡng sớm duy trì hàng rào chất nhầy của lớp niêm mạc ở ruột, từ đó ngăn vi khuẩn xâm nhập vào máu qua đường tiêu hóa. Nếu không có chống chỉ định, các bệnh nhân nằm hồi sức phải thở máy, dùng vận mạch cũng nên ăn lại bằng đường miệng sớm trong vòng 24 giờ qua sonde dạ dày.

Tuy nhiên, theo các nghiên cứu thử nghiệm ngẫu nhiên gần đây, việc ăn bằng đường miệng sớm đối với các bệnh nhân nặng nằm hồi sức sau mổ cũng không thấy rõ lợi ích so với nhóm bệnh nhân được nuôi dưỡng sớm bằng đường tĩnh mạch. Đối với các bệnh nhân, trước mổ được nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch dài ngày, nên khởi động dinh dưỡng lại sau mổ cũng bằng đường tĩnh mạch do chức năng đường tiêu hóa giảm mạnh sau 7 ngày không ăn uống.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh: Lợi ích của vấn đề dinh dưỡng trước và sau mổ, dinh dưỡng kém có liên quan đến kết cục sau mổ kém. Xác định các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng từ đó có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý, nâng cao tổng trạng trước mổ, phòng suy dinh dưỡng sau mổ, giúp bệnh nhân mau hồi phục, xuất viện sớm, giảm được chi phí điều trị từ đó giảm được chi phí y tế cho quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục