Ghi nhận ‘tháng đen tối nhất’ với 4 triệu ca nhiễm, Mỹ muốn rút ngắn thời gian cách ly

Nhật Anh, icon
09:35 ngày 30/11/2020

VTV.vn - Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đang hoàn thiện hướng dẫn giảm thời gian cách ly còn 7-10 ngày với người tiếp xúc bệnh nhân COVID-19.

Hình: CNN

Đại diện Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết: Cơ quan này đang xác định thời gian chính xác và hình thức xét nghiệm phù hợp trước khi kết thúc thời gian cách ly.

Các hướng dẫn hiện tại của CDC khuyến cáo bất kỳ người nào tiếp xúc bệnh nhân COVID-19 phải tự cách ly tại nhà trong 14 ngày, bao gồm cả những người xét nghiệm âm tính với virus. Tuy nhiên, vào tháng trước, Giám đốc CDC Robert Redfield cho biết hướng dẫn cách ly 14 ngày được đưa ra khi các xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 chưa sẵn sàng như hiện tại.

"Quyết định này dựa trên dữ liệu và cần được đánh giá. Chúng tôi không muốn mọi người phải cách ly trong 14 ngày một cách thừa thãi" - ông Redfield cho biết.

Ghi nhận ‘tháng đen tối nhất’ với 4 triệu ca nhiễm, Mỹ muốn rút ngắn thời gian cách ly - Ảnh 1.

Thời gian cách ly kéo dài 2 tuần khiến nhiều người chần chừ đi làm xét nghiệm COVID-19. (Ảnh minh họa: NYT)

Tiến sĩ Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), nhận định: Thời gian cách ly ngắn hơn sẽ giúp người dân tuân thủ các khuyến nghị của CDC dễ dàng hơn, bởi phần lớn mọi người tự rút ngắn thời gian cách ly hai tuần. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn khuyến nghị người dân nên làm xét nghiệm ngay sau khi tiếp xúc với người nhiễm, cách ly ít nhất 7 ngày, sau đó xét nghiệm lại để đảm bảo âm tính với virus.

Trước đó, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cũng cho biết thời gian cách ly kéo dài 2 tuần khiến nhiều người chần chừ đi làm xét nghiệm COVID-19. Bởi lẽ nếu có kết quả dương tính, họ có thể sẽ phải tạm nghỉ việc, mất nguồn thu nhập, thậm chí mất việc. Do đó, cân bằng được thời gian cách ly có thể là một cách khuyến khích người dân đi làm xét nghiệm.

Dù vậy, Mỹ vẫn liên tiếp xác lập các dấu mốc tồi tệ vì COVID-19. Tính đến hết tháng 11, tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã vượt quá 4 triệu người, nhiều hơn gấp đôi so với con số kỷ lục 1,9 triệu người mắc hồi tháng 10 ngay trước đó.

Ghi nhận ‘tháng đen tối nhất’ với 4 triệu ca nhiễm, Mỹ muốn rút ngắn thời gian cách ly - Ảnh 2.

Mức độ lây lan nghiêm trọng dự kiến sẽ còn tiếp tục tại Mỹ khi người dân vẫn di chuyển trong các dịp nghỉ lễ cuối năm. (Ảnh: ABC News)

Ông Tom Inglesby, Giám đốc Trung tâm An sinh sức khỏe thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết: mức độ lây lan nghiêm trọng như vậy sẽ còn tiếp tục, thậm chí còn tệ hơn trong thời gian tới, do các hoạt động kinh tế, xã hội trên toàn quốc vẫn phải duy trì, cùng với đó là sự di chuyển của người dân trong các dịp nghỉ lễ cuối năm.

Tính từ thời điểm dịch bùng phát tới nay, Mỹ vẫn là tâm dịch lớn nhất của thế giới, với tổng số hơn 13 triệu người nhiễm.

Các bệnh viện tại Mỹ đang trong tình trạng quá tải, với số bệnh nhân cần chăm sóc tăng vọt, tạo áp lực lên hệ thống y tế. Theo Dự án Theo dõi COVID-19, vào Ngày Lễ Tạ ơn (26/11), số người Mỹ phải nhập viện đạt mức cao kỷ lục với hơn 90.000 trường hợp và hiện mỗi giờ có khoảng 50 người Mỹ chết vì COVID-19.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục