Giới khoa học kêu gọi cách tiếp cận mới để giải quyết khủng hoảng dinh dưỡng

Hoài Linh, icon
08:28 ngày 29/12/2018

VTV.vn - Hàng tỷ người trên thế giới đang đối mặt với tình trạng béo phì hoặc thiếu ăn. Trong khi chế độ dinh dưỡng kém là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh tật và tử vong.

Từ thực trạng này, giới khoa học kêu gọi cách thức tiếp cận mới đối với hoạt động sản xuất lương thực trong năm 2019 nhằm giảm tỷ lệ người suy dinh dưỡng.

Hiện nay trên thế giới cứ 8 người trưởng thành có 1 người béo phì. Trong khi đó, cứ 9 người có 1 người thiếu ăn và gần 2 tỷ người thiếu các vitamin và khoáng chất thiết yếu. Giám đốc điều hành Liên minh toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng (GAIN), ông Lawrence Haddad cho rằng: chế độ dinh dưỡng kém giờ đây đã trở thành một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Ông nhấn mạnh: trong năm 2018, số người đói ăn tăng lần đầu tiên trong 10 năm, trong khi số người béo phì lên tới mức đỉnh điểm ở mỗi nước trên thế giới.

Bà Jessica Fanzo, Giáo sư tại Đại học Johns Hopkins và tác giả của báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu năm 2018, cũng cho rằng: để giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng, cần phải sản xuất loại thực phẩm thích hợp và đảm bảo có nhu cầu tiêu thụ những thực phẩm đó. Điều này đòi hỏi có thêm kinh phí nghiên cứu và phát triển những thực phẩm giàu dinh dưỡng đáp ứng nhu cầu của những gia đình có thu nhập eo hẹp.

Một báo cáo nghiên cứu toàn cầu được công bố trong tháng này dự báo đến năm 2050, con người sẽ vẫn thiếu các nguồn cung thực phẩm giàu thành phần dinh dưỡng thiết yếu như sắt, canxi và vitamin A.

Theo đó, các tác giả của công trình này gồm những nhà nghiên cứu đến từ Viện nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) và Đại học Illinois kêu gọi chính phủ các nước tăng cường tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển thực phẩm giàu dinh dưỡng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục