Mắc đái tháo đường nhưng không biết, một người có nguy cơ phải cắt cụt chân do biến chứng

Linh Chi, icon
09:00 ngày 04/10/2020

VTV.vn - Người đàn ông 50 tuổi ở Nam Sách, Hải Dương vào viện thăm khám do bị viêm tấy lan tỏa, loét nhiễm trùng cẳng bàn chân phải.

Tổn thương ở chân của bệnh nhân (Ảnh: BVCC).

Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, cách vào viện 2 tháng, bệnh nhân bắt đầu có biểu hiện sưng nóng đỏ đau khớp cổ chân, bàn chân kèm mệt, khát, uống nhiều, đái nhiều, ăn nhiều và sút cân. Bệnh nhân tự mua thuốc giảm đau chống viêm uống đỡ sau đó tái đi tái lại.

Bệnh nhân có nhờ nhân viên y tế địa phương tiêm thuốc gì không rõ. Sau đó, bệnh nhân có hơ lá lốt, xoa thuốc rượu khiến chân bị sưng nhiều hơn, nổi mụn nước, vỡ sưng nề cẳng chân, bàn chân.

Lúc vào viện khám, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc được, da niêm mạc nhợt nhẹ, sưng nề, tấy đỏ, loét chảy mủ cẳng chân và bàn chân phát, sốt 38 độ C. Qua thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết, bệnh nhân được chẩn đoán: Loét nhiễm trùng cẳng bàn chân phải do đái tháo đường type 2/nghiện ma túy đang cai nghiện bằng methadone.

Bệnh nhân được kiểm soát đường huyết, điều trị kháng sinh bằng kháng sinh đồ; thay băng rửa vết thương hằng ngày bằng dung dịch betadin và nước muối sinh lý, cắt lọc những mô hoại tử; duy trì methadone theo chỉ định của trung tâm cai nghiện...

Mắc đái tháo đường nhưng không biết, một người có nguy cơ phải cắt cụt chân do biến chứng - Ảnh 1.

Chân bàn chân sưng nề, chảy mủ (Ảnh: BVCC).

Sau 14 ngày điều trị, vết thương bệnh nhân khô, còn chảy dịch mủ, bàn chân đỡ sưng nề nhưng tổn thương phần mô dưới da sâu phức tạp có chỉ định trích dẫn lưu rộng. Bệnh nhân đã được hội chẩn liên chuyên khoa và các chuyên gia ở Bệnh viện Bạch Mai kết luận tổn thương bàn chân do đái tháo đường nặng phức tạp, nguy cơ cắt cụt và được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai.

Đây là một ca bệnh khá đặc biệt, bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh đái tháo đường trước đó, khi bị sưng đau cổ chân phải không được khám và làm xét nghiệm cơ bản sàng lọc các bệnh nền. Bên cạnh đó, bệnh nhân tự dùng thuốc không đúng bệnh tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và lan rộng gây hậu quả cho bàn chân và cẳng chân bị tổn thương lan tỏa.

Theo các bác sĩ, khi bị đái tháo đường, hệ miễn dịch của cơ thể trở nên suy giảm, lớp da bảo vệ bàn chân bị phá vỡ, các vi khuẩn thường xuyên có mặt trên bề mặt da sẽ xâm nhập và lan sâu vào tổ chức dưới da, cân, cơ... Đối với những vết loét mới, tụ cầu vàng là những vi khuẩn xâm nhập vào ổ loét.

Trong trường hợp nhiễm trùng nặng, tổn thương loét cỏ thể xuất hiện thêm nhóm vi khuẩn kị khí, hoạt thư sinh hơi. Một số vi khuẩn thường gặp trong nhiễm trùng bệnh viện, đa kháng thuốc như tụ cầu vàng kháng methicillin, trực khuẩn mủ xanh... có thể xuất hiện ở những bệnh nhân có tiền sử điều trị vết loét nhiễm trùng, thời gian nằm viện kéo dài.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo: Cần khám định kỳ phát hiện đái tháo đường với người có yếu tố nguy cơ như trên 45 tuổi, thừa cân béo phì, tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường, tiền sử tăng huyết áp... Với những tổn thương viêm tấy, cần phải được xét nghiệm máu cơ bản để tiên lượng và chẩn đoán các bệnh lý nền. Đặc biệt lưu ý tổn thương bàn chân như bệnh nhân trên.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục