Biến chứng nhiễm trùng đái tháo đường - 11 sai lầm thường gặp

P.V, icon
09:47 ngày 16/02/2019

VTV.vn - Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh đái tháo đường sẽ dễ mắc những biến chứng vô cùng nguy hiểm.

Một số giải đáp dưới đây từ bác sĩ Châu Thị Tố Uyên - Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam sẽ giúp bạn tránh được các sai lầm đáng tiếc.

Hỏi : Tôi hay bị ho sốt và khạc đàm trong thời gian dài, tự mua thuốc tại nhà thuốc uống mà bệnh lâu khỏi?

Đáp : Đối với bệnh nhân ĐTĐ khi mắc bệnh lý viêm đường hô hấp, sức kháng khuẩn bị suy giảm vì các mạch máu nhỏ bị tổn thương nhiều ở lớp tế bào lót trong cùng , lớp tế bào nội mạc, các tế bào hồng cầu bị giảm sự mềm dẻo và sự trao đổi oxy bị rối loạn ở mô.

Do đó bệnh dễ diễn tiến nặng và điều trị tốn kém và kéo dài.Vì vậy bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ dùng đúng kháng sinh ,đúng phác đồ điều trị thì bệnh mới khỏi.

Hỏi : Tôi không hiểu sao trong những ngày đầu cảm sốt tôi thường thấy không mệt nhiều, nhưng vào viện thì bác sĩ báo rằng đến muộn?

Đáp : Đối với những người bình thường mắc viêm phổi có thể xuất hiện những biểu hiện như ho, sốt, đau ngực… Tuy nhiên ở người bị tiểu đường thì có thể không xuất hiện những biểu hiện trên mà bệnh khởi phát âm thầm và chỉ bộc phát triệu chứng khi xuất hiện biến chứng nặng của viêm phổi như suy hô hấp, áp xe phổi, nhiễm trùng huyết. Lúc này diễn biến bệnh khá nặng và nguy cơ tử vong cao.

Hỏi : Vậy có cách nào phòng ngừa cho bệnh nhân ĐTĐ trước nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp không ?

Đáp : Cần hạn chế tối đa các nguyên nhân gây bệnh ở phổi bằng cách bỏ hút thuốc lá, tránh tiếp xúc với các nguồn lây vi khuẩn, virus như người cảm lạnh, cảm cúm, người mắc các bệnh về hô hấp khác, người mắc bệnh sởi, thủy đậu, lao phổi… Rửa sạch tay, bảo vệ đường hô hấp khi đi ra ngoài bằng khẩu trang y tế. Tiêm phòng cũng là cách giúp người bệnh tiểu đường phòng tránh bệnh phổi.

Điều quan trọng nhất là ở những bệnh nhân đái tháo đường cần có chế độ ăn hợp lý và chế độ luyện tập đúng để kiểm soát tốt đường huyết.

Hỏi : Tôi có người quen bị ĐTĐ mắc lao phổi, vậy có thể có triệu chứng gì cảnh báo bị lao không ?

Đáp : Nguyên nhân ĐTĐ mắc lao phổi nói riêng và các bệnh nhiễm khuẩn nói chung là do cơ chế cơ thể bị suy giảm miễn dịch làm cho sức đề kháng giảm sút, đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lao phát triển. Biểu hiện phổ biến là các dấu hiệu nhiễm lao như sốt nhẹ về buổi chiều, gây sút cân, ho .Đôi khi không triệu chứng, phát hiện do tình cờ.

Hỏi : Các vết thương ở người mắc bệnh đái tháo đường khó liền đúng không?

Đáp : Đúng.Đường huyết cao làm quá trình liền da, liền sẹo ở bệnh nhân đái tháo đường gặp khó khăn. Vì thế, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn và bệnh nấm dễ dàng "ghé thăm" người bị đái tháo đường. Và một khi đã "ghé thăm", vi khuẩn và nấm sẽ phát triển rất nhanh nhờ được "chiêu đãi" no nê bởi đường trong máu.

Hỏi : Tôi hay dùng thuốc nam đắp vào vết thương ở chân vì nghe nói làm vậy sẽ giúp vết thương mau lành ?

Đáp : Do tính chất đặc biệt mà vết thương của người ĐTĐ lâu lành, mà bạn còn dùng thuốc được chế biến không rõ đắp lên tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập làm tình trạng vết thương càng lúc càng xấu hơn.

Hỏi : Người mắc đái tháo đường ít bị sâu răng?

Đáp: Ngược lại, người bị đái tháo đường có nguy cơ bị bệnh sâu răng "thăm hỏi" cao hơn những người bình thường nếu như họ không có một chế độ ăn uống hợp lý. Thủ phạm tạo cơ hội cho bệnh sâu răng phát triển chính là sự tập trung quá nhiều đường trong nước bọt. Vì thế, vệ sinh răng miệng ở bệnh nhân đái tháo đường cần được tuân thủ nghiêm ngặt: đánh răng sau khi ăn và kiểm tra răng miệng định kì (ít nhất 2 lần/năm).

Hỏi : Tôi thấy bạn bè tôi hay bị vết loét ở chân mà không chịu đi khám , như vậy có đúng không ?

Đáp : Cần phải đến khám sớm và chữa trị kịp thời. Bởi vì hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường thường gặp các tổn thương loét ở hai bàn chân, đặc biệt trên những người không hoặc kiểm soát đường huyết kém.

Thông thường, các tổn thương loét liền rất nhanh. Tuy nhiên, loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường không những rất khó liền mà còn có thể tiến triển nặng hơn như hoại tử chân, thậm chí khởi phát ban đầu chỉ là những vết thương nhỏ do dẵm phải viên sỏi khi bạn đi chân đất, hoặc do sử dụng giầy dép không đúng.

Biến chứng nhiễm trùng đái tháo đường - 11 sai lầm thường gặp - Ảnh 1.

Hỏi : Loét bàn chân không nguy hiểm , đúng không ?

Đáp : Rất nguy hiểm ! Sau đây là một số thống kê cho thấy: 15% bệnh nhân ĐTĐ bị loét bàn chân trong suốt thời gian mắc bệnh

15% bệnh nhân loét bàn chân có viêm xương kèm theo 15% bệnh nhân loét bàn chân sẽ bị tàn tật do phải cắt cụt chi 50% bệnh nhân bị cắt cụt cẳng chân hoặc bị cắt ngang đùi 50% bệnh nhân sẽ phải cắt cụt chân lần 2 trong vòng 5 năm 50% bệnh nhân tử vong trong vòng 5 năm

Hỏi : Làm thế nào để phòng ngừa được loét bàn chân?

Đáp : Bạn phải đi khám bệnh thường xuyên để kiểm soát tốt đường huyết, điều trị tốt các yếu tố nguy cơ khác như kiểm soát huyết áp, điều trị rối loạn lipid máu, giảm cân, bỏ hút thuốc lá và giảm cân.. Thường xuyên kiểm tra và chăn sóc bàn chân, bảo vệ đôi chân mình .

Hỏi : Tôi có thể tự cắt bỏ các vết chai , mụn cơm ở chân không ?

Đáp : Đừng cố gắng tự điều trị, cắt bỏ các chai chân, mụn cơm hoặc các bất thường ở chân. Đặc biệt, không nên sử dụng hóa chất hoặc các thuốc gia truyền để chữa trị. Những công việc này cần phải được thực hiện bởi các bác sỹ chuyên khoa đã qua đào tạo.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục