Người khỏi COVID-19 vẫn nên tiêm vaccine

Nhật Anh, icon
11:54 ngày 05/12/2020

VTV.vn - Các chuyên gia y tế cộng đồng tại Mỹ cho rằng người khỏi COVID-19 và người có triệu chứng kéo dài vẫn nên tiêm vaccine, dù chưa có nghiên cứu toàn bộ về hiệu quả.

Hình: NBC News

Giới chuyên gia kỳ vọng việc tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt, bao gồm cả những người đã khỏi COVID-19, sẽ có hiệu ứng xoay chuyển làn sóng của đại dịch một khi vaccine sẵn sàng.

Các nhà khoa học cũng lưu ý, dù chưa có hiểu biết đầy đủ về cách hệ miễn dịch của người khỏi COVID-19 phản ứng với vaccine - đặc biệt ở người có triệu chứng bệnh kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng sau khi chẩn đoán, thì vẫn tồn tại khả năng là họ gặp ít rủi ro khi tiêm phòng.

Người khỏi COVID-19 vẫn nên tiêm vaccine - Ảnh 1.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng ý rằng mọi người nên tiêm phòng, dù họ đã có miễn dịch. (Ảnh minh họa: CNBC)

Tiến sĩ David Thomas, Giáo sư y khoa kiêm Giám đốc Bộ môn Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Johns Hopkins, cho biết: "Khuyến cáo chung là nên tiêm chủng dù cho bạn từng mắc bệnh. Có một số nghi vấn chưa có câu trả lời, nhưng những gì chúng tôi biết lúc này là đã đến lúc thích hợp để tiêm vaccine".

Đó là bởi dù tái nhiễm SARS-CoV-2 rất hiếm, nhưng nếu mức độ kháng thể tự nhiên suy giảm theo thời gian, một người có thể nhiễm nhiều lần. Bác sĩ và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đồng ý rằng mọi người nên tiêm phòng, ngay cả khi họ có miễn dịch tự nhiên.

Vaccine có thể tăng cường khả năng miễn dịch ở những người khỏi bệnh bởi đó là biện pháp phòng ngừa có tiền lệ. Thực tế, những người lớn trên 50 tuổi khỏe mạnh vẫn được khuyên nên tiêm chủng phòng bệnh zona dù họ từng mắc thủy đậu hoặc bệnh zona.

"Tôi tiêm vì muốn có thêm miễn dịch để bảo vệ bản thân khỏi tái phát zona. Mặc dù tôi đã mắc bệnh và có lượng miễn dịch nhất định, tôi vẫn chọn tiêm vaccine để giảm hai lần nguy cơ và được an toàn hơn" - Tiến sĩ Thomas nói.

Người khỏi COVID-19 vẫn nên tiêm vaccine - Ảnh 2.

Các thử nghiệm vaccine do Pfizer và Moderna tiến hành trên tình nguyện viên chưa tập trung vào người đã mắc COVID-19. (Ảnh: Yahoo News)

Các thử nghiệm vaccine do Pfizer và Moderna tiến hành trên tình nguyện viên chưa tập trung vào người đã mắc COVID-19, nhưng đây cũng là một phần trong quy trình phê duyệt vaccine. Nhiều khả năng, Pfizer và Moderna sẽ phải cung cấp dữ liệu về những vấn đề còn tồn tại ngay cả sau khi FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp. Một số yêu cầu có thể bao gồm các câu hỏi cụ thể về việc sử dụng vaccine cho những người đã mắc COVID-19, cũng như tất cả dữ liệu an toàn kèm theo.

Giáo sư Michael Betts, chuyên gia miễn dịch học tại Trường Y Perelman của Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết một ẩn số lớn khác là những người có triệu chứng COVID-19 kéo dài sẽ phản ứng như thế nào. Hiện không rõ có bao nhiêu người bị các triệu chứng lâu dài của COVID-19. Tuy nhiên, nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Mỹ từng công bố cho thấy: 35% người trưởng thành có triệu chứng nhưng không nặng đến mức phải nhập viện, song cũng không trở lại bình thường trong vòng 3 tuần sau khi chẩn đoán mắc bệnh.

Do đó, nếu không nắm rõ lý do các triệu chứng kéo dài ở một số người bệnh nhất định, rất khó để biết liệu phản ứng miễn dịch từ vaccine sẽ có lợi hay bất lợi.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!

Cùng chuyên mục