Tác hại đáng sợ của stress đến não bộ

Linh Chi, icon
07:23 ngày 04/11/2018

VTV.vn - Stress ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Chắc chắn đã có lúc bạn nhớ nhớ quên quên, phiền muộn hay lo lắng do stress.

Hình minh họa.

Bạn thường xuyên ngủ không ngon, hay căng thẳng mệt mỏi và nằm mơ thấy ác mộng. Thỉnh thoảng, bạn lại cáu kỉnh, bực dọc với những người xung quanh. Mệt mỏi và cô đơn cứ hay bám lấy bạn. Đừng lo lắng gì cả, phần đông mọi người đều đã từng bị rơi vào trạng thái như vậy. Người ta gọi đó là stress (căng thẳng).

Stress làm chúng ta cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và mất khả năng tập trung. Căng thẳng mãn tính có thể làm xáo trộn giấc ngủ, mất cảm giác ngon miệng, ham muốn tình dục và còn là nguồn gốc phát sinh ra hàng loạt các loại bệnh khác liên quan đến bệnh tim mạch, bệnh tiểu đường, và các bệnh đường tiêu hóa. Stress (căng thẳng) kéo dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn không những về mặt thể chất mà còn về tinh thần. Tuy nhiên, mỗi khi bị căng thắng, não bộ bị tác động như thế nào? Nghiên cứu gần đây nhất của Trường Y khoa Harvard đã đưa ra được câu trả lời.

Hormone stress ảnh hưởng đến trí nhớ

Nghiên cứu khảo sát trên một nhóm người với độ tuổi trung bình là 49 có sức khỏe bình thường và hoàn toàn không bị chứng mất trí nhớ. Bắt đầu nghiên cứu, tất cả những người tham gia phải làm xét nghiêm máu khi đói và kiểm tra tâm lý nhằm đo lường về kỹ năng tư duy và nhận thức của mỗi người. Mục đích của nghiên cứu là sau 8 năm, tất cả những người tham gia sẽ làm lại xét nghiệm máu và kiểm tra tâm lý tương tự để so sánh sự thay đổi.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến nồng độ cortisol trong máu của người tham gia. Cortisol là một loại hormone được sinh ra chủ yếu để đối phó với stress. Cortisol có trách nhiệm cung cấp năng lượng vì những chất này rất cần thiết để cơ thể xử lý những tình huống khó khăn. Tuy nhiên, nếu stress lặp đi lặp lại hằng ngày, lượng cortisol sản sinh ra càng tăng sẽ càng tàn phá bộ não bạn.

Dựa vào kết quả đo nồng độ cortisol, các nhà điều tra chia những người tham gia thành nhóm theo nồng độ cortisol cao, trung bình hoặc thấp, trong đó mức trung bình tương ứng với mức cortisol bình thường từ 10,8 - 15,8 microgam trên mỗi deciliter. Sau đó, họ phát hiện những người có nồng độ cortisol trong máu cao có trí nhớ kém hơn nhiều so với người có mức cortisol ở những mức độ bình thường. Quan trọng hơn, những dấu hiệu trí nhớ suy kém ở những cá nhân có nồng độ cortisol cao này thể hiện rõ ràng trước khi có triệu chứng mất trí nhớ.

Những kết quả này vẫn không thay đổi ngay cả khi các nhà nghiên cứu thay đổi các yếu tố có liên quan, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, thói quen hút thuốc và chỉ số khối cơ thể (BMI).

Hormone stress thay đổi kích thước não

Ngoài ra, 2.018 người tham gia đã đồng ý thực hiện chụp MRI, để các nhà nghiên cứu có thể đo khối lượng não của họ. Từ những kết quả trên, các nhà nghiên cứu đã kết luận được những người có nồng độ cortisol cao có xu hướng có khối lượng não thấp hơn.

Những người trong nhóm cortisol cao, trung bình có khối lượng não chiếm 88,5% tổng khối lượng hộp sọ trong khi những người có nồng độ cortisol ở mức bình thường có khối lượng não chiếm 88,7% tổng khối lượng hộp sọ.

Vì vậy, cách tích cực và hữu ích nhất để giải quyết stress và duy trì một bộ não khỏe mạnh, trí nhớ tốt là mọi người tìm cách giảm stress, chẳng hạn như ngủ đủ giấc, tập thể dục vừa phải, kết hợp liệu pháp thư giãn trong cuộc sống hàng ngày, hoặc hỏi bác sĩ về mức cortisol và dùng thuốc giảm cortisol nếu cần thiết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận một số hạn chế - chẳng hạn như họ chỉ đo nồng độ cortisol trong máu của người tham gia một lần và hầu hết những người tham gia nghiên cứu là gốc châu Âu. Có nghĩa là những phát hiện này có thể không phản ánh chính xác tác động của stress đối với các khu vực khác.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục