Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 sáng nay (5/3).
Theo kế hoạch, ngày 6/3, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tập huấn trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vaccine cũng như xử lý tai biến sau tiêm…
Dự kiến đến ngày 8/3 (thứ Hai tuần sau), những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng cho biết: Đợt đầu tiên, việc tiêm vaccine sẽ được triển khai tại 18 cơ sở điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, ưu tiên những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị cho bệnh nhân, các đối tượng theo Nghị quyết 21, các vùng có dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, đặc biệt ưu tiên cho Hải Dương) do lượng vaccine lần này quá ít so với nhu cầu thực tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay: Dự kiến đến ngày 8/3 - thứ Hai tuần sau, những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Thủ tướng Chính phủ.
Những người được tiêm vaccine COVID-19 sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.
Trước đó, trưa 24/2, khoảng 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vaccine này, đến nay đã đảm bảo điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh: Việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Bởi theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% ở mũi 1 và 81% mũi 2.
Hiện nay, khi nhu cầu vaccine lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua vaccine COVID-19 dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vaccine gấp nhiều lần nhu cầu thực tế. Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định: "Việc đảm bảo đủ vaccine rất khó khăn, bên cạnh đó đây là những vaccine mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vaccine từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vaccine trong nước".
9 nhóm đối tượng ưu tiên và miễn phí tiêm vaccine COVID-19
Ngày 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 về mua và sử dụng vaccine phòng COVID-19. Nghị quyết nêu rõ 9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.
Nghị quyết cũng nêu rõ địa bàn ưu tiên tiêm và miễn phí cho 9 nhóm đối tượng nói trên, gồm:
Về việc mua vaccine COVID-19: Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vaccine phòng COVID-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên với số lượng khoảng 150 triệu liều. Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng chống dịch, quyết định số lượng vaccine cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn.
Cơ chế mua vaccine thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật đấu thầu năm 2013.
Sáng 5/3, bắt đầu tuyển tình nguyện viên tiêm gia vaccine "Made in Vietnam" thứ 2 - COVIVAC
Đơn vị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine "Made in Vietnam" thứ 2 - COVIVAC cho biết, bắt đầu từ sáng nay (5/3) sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký của các tình nguyện viên tham gia tiêm thử nghiệm.
Trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine COVIVAC, Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội sẽ phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thực hiện thử nghiệm trên 150 tình nguyện viên khỏe mạnh, từ 18 - 59 tuổi, cư trú tại Hà Nội.
Để đăng ký tham gia thử nghiệm, tình nguyện viên có thể đăng ký trực tiếp tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội; hoặc gọi điện thoại: 0243.852.3798 - máy lẻ 3188; qua email: duoclylamsang@gmail.com, qua trang web: http://duoclylamsang.vn.
Tình nguyện viên đến tham gia đăng ký trực tiếp tại tại Trung tâm Dược lý lâm sàng, Trường Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: TTXVN.
Sau khi khám sàng lọc đủ điều kiện, mỗi tình nguyện viên sẽ được tiêm 2 mũi, mỗi mũi 0,5ml, cách nhau 28 ngày. 150 người sẽ được chia thành 5 nhóm, trong đó 1 nhóm giả dược. Sau tiêm, ở lại theo dõi 24 giờ.
Mục tiêu giai đoạn 1 là đánh giá độ an toàn và khả năng đáp ứng miễn dịch của vaccine để chọn ra 2 nhóm liều tối ưu nhất, chuyển sang nghiên cứu ở giai đoạn 2.
Mỗi tình nguyện viên sau tiêm vaccine sẽ được khám sức khỏe 8 lần trong 12 tháng, lấy mẫu máu 7 lần để đánh giá tình trạng sức khoẻ và đo lượng kháng thể sau tiêm.
Mỗi lần đến thăm khám, mỗi tình nguyện viên sẽ nhận được 300.000 đồng hỗ trợ đi lại. Riêng lần tiêm mũi 1 và 2, mỗi người sẽ nhận được lần lượt 1 triệu đồng và 500.000 đồng.
Dự kiến sau khi giai đoạn 1 thực hiện được 43 ngày, nếu các kết quả đáp ứng tốt sẽ chuyển sang giai đoạn 2 với số lượng nghiên cứu 300 tình nguyện viên, thực hiện tại Trung tâm Y tế huyện Vũ Thư, Thái Bình.
Vaccine COVIVAC là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.
Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam, đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.
Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!