Ngày 28/6, Hy Lạp đóng cửa các ngân hàng và hạn chế rút tiền sau thất bại của cuộc họp giữa các bộ trưởng tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu cuối tuần qua bàn về gói cứu trợ cho Athens.
Tác động của sự kiện này đến thị trường CK toàn cầu khá tiêu cực. Tối 29/6 (theo giờ Hà Nội), chỉ số Dow Jones giảm 350,33 điểm, mất đi toàn bộ thành quả tăng điểm từ đầu năm tới nay.
Ở châu Á, Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 2,88%. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 2,61%. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,34%. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên VTV24, Nikkei-225 đã trở lại bình thường còn Shanghai đã xanh nhẹ.
Còn tại thị trường Việt Nam, mức độ ảnh hưởng là không nhiều, thậm chí trong phiên sáng 30/6, chỉ số VN-Index còn tăng vài điểm. Có thể đây là do phản ứng tích của thị trường với quyết định nới room của Chính phủ cũng như các sự kiện sắp diễn ra tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam tại Hoa Kỳ trong tuần này.
Sự kiện Hy Lạp có thể gia tăng mức độ ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư trong nước và quốc tế theo hai cách. Khi rủi ro tăng lên, nhà đầu tư ngoại có xu hướng thu hẹp quy mô đầu tư, rút vốn khỏi thị trường chứng khoán và chuyển sang các tài sản lên giá mạnh hơn như USD hay vàng.
Trong tuần qua, Việt Nam gần như là thị trường duy nhất vẫn hút ròng vốn đầu tư ngoại (dù quy mô còn khá khiêm tốn so với mức độ hiện diện của dòng vốn ngoại tại các thị trường khu vực). Đây là điểm tích cực, tuy nhiên, không rõ xu hướng này còn kéo dài được bao lâu.
Bên cạnh đó, các DN vay vốn bằng đồng EUR, trong đó điển hình là ngành xi măng với mã chứng khoán HT1, BCC và BTS hay năng lượng như NT2 có thể phát sinh khoản thu nhập bất thường lớn do chênh lệch tỷ giá. Bởi lẽ, ngay sau khi tin tức lan truyền, đồng tiền chung của khối châu Âu là đồng Euro đã ngay lập tức mất giá hơn 1,6%.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online!