Giám sát tài chính ở Việt Nam bộc lộ nhiều hạn chế

Ngọc Diệp-Thứ tư, ngày 28/08/2013 11:16 GMT+7

 Hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, mới ở hình thức giám sát tuân thủ, chưa đi vào giám sát dựa trên rủi ro.

Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2013 với chủ đề “Tăng cường giám sát tài chính Quốc gia - Giải pháp chính sách và công nghệ” diễn ra ngày 27/8 là một sự kiện thường niên do Bộ Tài chính phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDG Vietnam) tổ chức. Rất nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của hệ thống giám sát tài chính ở Việt Nam trong hội thảo này.

Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, Việt Nam vẫn đang thiếu một cơ chế giám sát an toàn vĩ mô, hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam hiện mới chủ yếu tập trung vào giám sát các hoạt động vi mô. Trong khi đó trên thực tế, hệ thống tài chính phát triển rất nhanh và ngày càng phức tạp, cơ chế giám sát an toàn vi mô như hiện nay chỉ ngăn chặn được sự bất ổn của từng định chế tài chính chứ chưa ngăn được bất ổn của cả hệ thống.

Cho rằng, cùng với quá trình phát triển chung của nền kinh tế, những năm qua, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ngành Tài chính vẫn tiếp tục có những bước phát triển nhanh và vững chắc trên nhiều mặt, an ninh tài chính quốc gia được đảm bảo, tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cũng thẳng thắn thừa nhận, giám sát tài chính ở Việt Nam đang bộc lộ nhiều điểm hạn chế.

‘ Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2013 với chủ đề: "Tăng cường giám sát tài chính quốc gia: Giải pháp chính sách và công nghệ". Ảnh: Cổng ĐT chính phủ

Thứ nhất, hệ thống các công cụ giám sát tài chính đang trong quá trình hoàn thiện, cần phải tiếp tục có sự điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu phát sinh từ quá trình hội nhập và mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với bên ngoài. Việc giám sát chủ yếu dừng ở giám sát tuân thủ, trong khi giám sát hiệu quả và giám sát cảnh báo sớm cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

Thứ hai, hệ thống các chỉ tiêu giám sát tài chính công vẫn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan, hệ thống thông tin phục vụ cho công tác giám sát vẫn còn chưa đầy đủ, phân tán và chưa được cập nhật thường xuyên. Công tác thống kê, hạch toán trong một số trường hợp chưa theo đúng các chuẩn mực quốc tế nên khó so sánh khi đánh giá mức độ rủi ro.

Thứ ba, công tác giám sát tuân thủ pháp luật trên thị trường chứng khoán trong một số nội dung còn chưa bao quát hết các vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn. Hoạt động giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của các doanh nghiệp nhà nước vẫn còn những điểm cần tiếp tục cải thiện.

Thứ tư, việc chia sẻ thông tin trong nội bộ từng ngành cũng như giữa các cơ quan chức năng còn có điểm hạn chế. Cơ cấu hệ thống giám sát tương đối hoàn chỉnh nhưng còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ phận, nhất là ở tầm vĩ mô, liên ngành.

Giải pháp được đưa ra là không nên thu hẹp quá sớm các quy định an toàn về vốn và thanh khoản đối với các ngân hàng, phát triển các công cụ để ngăn ngừa rủi ro phát sinh từ khu vực tài chính phi ngân hàng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước