Mặc dù đã nhận được thông tin ngân hàng hạ lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm xuống hơn 0,3%/năm nhưng chị Nguyễn Thị Tuyết cũng như nhiều khách hàng khác vẫn chọn lựa phương cách gửi tiết kiệm ngân hàng với nhiều lý do.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, Thành phố Huế cho biết: “Mặc dù lãi suất hạ nhưng tôi vẫn chọn gửi tiết kiệm vì hiệu quả, hàng tháng chắc chắn có một khoản cho gia đình và đặc biệt an toàn hơn so với việc tôi đầu tư chứng khoán hoặc vàng”.
Theo ghi nhận tại một số ngân hàng trên địa bàn TP Huế, bắt đầu từ 1/3, tại ngân hàng Maritime Bank lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 6,5% giảm 0,5% so với trước đây, lãi suất huy động trên 6 tháng giảm 0,3%. Ngân hàng quân đội MB thông báo mức giảm cho lãi suất huy động trên 6 tháng là 0,5% còn lại 8%, kỳ hạn dưới 6 tháng là 6,7%. Đồng loạt các ngân hàng khác như hàng Eximbank, Vietcombank, BIDV, Agribank, VPBank cũng hạ mức lãi suất huy động ở các kỳ hạn vào khoản 0,3-0,6%.
Tuy nhiên so với mức lạm phát kỳ vọng là 7% thì mức lãi suất huy động hiện nay với kỳ hạn dài ở khoảng 8-8,5% vẫn được người gửi tiết kiệm chấp chận. Minh chứng là nguồn vốn đổ vào các ngân hàng vẫn rất dồi dào. Đây được nhận định là một xu hướng tích cực giúp các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay đầu ra. Tuy nhiên để giảm được vẫn còn phụ thuộc vào nhiều vấn đề và cho đến nay, việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa hiện hữu rõ nét trên thị trường.
Theo đánh giá của chuyên gia, nợ xấu là một trong những nguyên nhân khiến lãi suất cho vay ở các ngân hàng vẫn chưa thể giảm tỷ lệ thuận với lãi suất huy động. Bởi với mức nợ xấu cao dẫn đến áp lực trích lập quỹ dự phòng cao và đẩy chi phí kinh doanh lên cao. Do vậy để đảm bảo mức lợi nhuận mục tiêu, các ngân hàng vẫn chưa thể ngay lập tức giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, làm như thế nào để người dân đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có thể tiếp cận được với vốn vay ngân hàng vẫn là điều khá trăn trở.