62 huyện nghèo trông chờ... bác sĩ trẻ

Thủy Ngân (ghi)-Thứ ba, ngày 26/02/2013 07:00 GMT+7

Hình ảnh trong chương trình - VTV News

[]  Nhằm khắc phục tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến TW, tăng cường nhân lực bệnh viện tuyến huyện... Bộ Y tế đã đưa các bác sĩ trẻ về các vùng khó khăn.

Cung cấp dịch vụ y tế có chất lượng, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ngay tại tuyến y tế cơ sở là mục tiêu được Bộ Y tế đề ra trong Dự án y tế thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.

Trong giai đoạn 2013 - 2016, 20 tỉnh có huyện nghèo sẽ tiếp nhận khoảng 500 bác sĩ trẻ mới ra trường với bằng tốt nghiệp khá, giỏi về công tác. Trường Đại học Y Hà Nội đã có khoảng 60 sinh viên sắp tốt nghiệp đăng ký về các huyện nghèo.

Chương trình sức khỏe là vàng đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Văn Tác, Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ Bộ Y tế về những vấn đề liên quan tới Dự án y tế thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.

BTV: Thưa ông, ông có thể cho biết trong đợt đầu có bao nhiêu sinh viên trường ĐH Y tốt nghiệp sẽ đến 62 huyện nghèo và những sinh viên này cần có những điều kiện, yêu cầu gì?

Ông Phạm Văn Tác: Dự án đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp có trình độ khá, giỏi tới các vùng sâu, vùng xa biên giới hải đảo, trước hết ưu tiên 62 huyện nghèo trong cả nước.

Dự án này đã được đồng chí Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phê duyệt tại quyết định 585 ngày 20/2/2013 và sẽ khởi động vào ngày 27/2/2013, dự kiến có khoảng 500 bác sĩ tham gia dự án này.

Hiện nay, có khoảng 152 bác sĩ là sinh viên đã đăng ký tình nguyện tại các huyện còn gặp nhiều khó khăn trong cả nước. Khoảng gần 50 người đã sẵn sàng ký vào bản cam kết đi tới các huyện vùng cao phục vụ nhân dân.

BTV: Theo chúng tôi được biết những sinh viên tình nguyện đến các huyện khó khăn sẽ có những chế độ ưu đãi đặc biệt như: Được nhận vào các bệnh viện lớn tại TW hoặc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế. Vậy ngoài ưu đãi này các bác sĩ trẻ còn được hưởng những ưu đãi nào khác không?

Ông Phạm Văn Tác: Các bác sĩ tham gia Dự án là các bác sĩ thuộc loại khá và giỏi, thậm chí là bác sĩ nội trú, bác sĩ thạc sĩ và bác sĩ có bằng chuyên khoa cấp I. Họ là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe và có tinh thần tình nguyện. Chúng tôi sẽ ưu tiên cho những bác sĩ có gốc ở địa phương đó thì được về địa phương công tác.

Về các chính sách của Dự án, việc đầu tiên các bác sĩ sẽ được xem xét khớp theo cung cầu, và được đưa về tuyển chọn tại một bệnh viện lớn của Bộ Y tế.

Tiếp theo, sẽ được tiếp tục đào tạo theo phương pháp "cầm tay chỉ việc" trong 12 tháng và tiếp tục theo dõi ở địa phương cùng với trường ĐH Y Hà Nội và bệnh viện được tiếp nhận.

Các bác sĩ sẽ được hưởng nhiều chế độ ưu đãi khi tham gia tình nguyện làm việc ở tuyến cơ sở. Thứ nhất, họ sẽ được hưởng chế độ ưu đãi nghề theo Nghị định 56 với khoảng 40 – 60% lượng bác sĩ này. Thứ hai, họ sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi vùng miền, theo Quyết định 64 của Chính phủ, khoảng 70% lương của họ.

Các bác sĩ tham gia chương trình còn được hưởng chế độ rất mới là Quyết định 14 của Thủ tướng về chế độ luân phiên vừa được ký ngày 20/2/2013 và được hưởng 50% lương. Quyết định 73 với chế độ trực và chế độ phụ cấp.

Ngoài ra, họ còn được hưởng tiền phụ cấp đi lại, tàu xe, Tết cũng như nghỉ phép. Đặc biệt địa phương cũng tham gia hỗ trợ thêm các chính sách cho những cán bộ này.

BTV: Rõ ràng đây là những chính sách rất tốt, tuy nhiên có những địa phương đã đầu tư cơ sở hạ tầng rất tốt ví dụ như trang thiết bị máy móc hiện đại nhưng lại không có người vận hành. Phải chăng Đề án đưa các bác sĩ về 62 huyện nghèo cũng là một giải pháp vừa hỗ trợ cho các địa phương, vừa hỗ trợ cho các tuyến trên?

Ông Phạm Văn Tác: Đúng như vậy. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa đưa ra quyết định 92 về giảm tải bệnh viện. Trong đó quyết định việc luân phiên, luân chuyển các cán bộ y tế sẽ giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân ở vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, lần đầu tiên có các bác sĩ giỏi đã được đào tạo một cách bàn bản, trình độ sau đại học, có trình độ chuyên môn và kỹ thuật cao được đưa đi phục vụ đồng bào 62 huyện nghèo. Chính vì vậy, người dân sẽ yên tâm hơn, tin tưởng hơn, từ đó không phải lên tuyến tỉnh và tuyến trung ương thì chắc chắn cũng sẽ giảm tải được.

Cao hơn nữa, đây cũng là chính sách của Bộ Y tế của Đảng và Nhà nước tạo nên sự công bằng, hiệu quả và phát triển trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu giữa đồng bằng với miền núi và vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

BTV: Một số bệnh viện lớn cũng lo ngại nếu quá nhiều sinh viên xin vào một bệnh viện sẽ gây khó khăn trong việc nhận các bác sĩ nội trú hoặc những bác sĩ giỏi, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Phạm Văn Tác: Hiện nay, Bộ Y tế có 35 bệnh viện, có khoảng 7000 bác sĩ, theo luật hiện hành thì 5% về hưu hàng năm. Như vậy, khoảng 350 – 400 bác sĩ phải tiếp nhận hàng năm để thay thế.

Như vậy, số lượng bác sĩ tuyển chọn vào cũng không ngại cho các bệnh viện. Nếu như bệnh viện mà cán bộ y tế đã được tuyển tình nguyện theo Dự án này, thì các bác sĩ sẽ miễn không phải thực hiện chế độ luân phiên theo quyết định 14 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.

Điều này chắc chắn sẽ thuận lợi cho việc đưa bác sĩ về vùng sâu, vùng xa vùng đặc biệt khó khăn.

Chúng tôi thấy rằng, Bộ Y tế cũng đang chỉ đạo để xây dựng vị trí việc làm theo Luật viên chức. Theo đó, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo và dành một số lượng nhất định để các bệnh viện có dư một số lượng cán bộ để chuẩn bị cho công tác luân phiên, luân chuyển giúp cho tuyến dưới được tốt hơn.

Chúng tôi cũng hi vọng trong thời gian tới, Đề án thí điểm sẽ được nâng cấp thành Đề án của Chính phủ. Và 63 tỉnh, các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, các bệnh viên chuyên khoa cũng sẽ sẵn sàng khớp cung cầu.

Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ đề nghị với Quốc hội, Đảng và Chính phủ mong muốn hình thành một bộ luật về trách nhiệm xã hội đối với cán bộ y tế trong đó có bác sĩ để phục vụ cho vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Điều này sẽ giải quyết tốt vấn đề nhân lực giữa các vùng miền, người dân ở các vùng miền khác nhau đều được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất theo mong muốn của người dân và chỉ đạo của Đảng.

BTV: Trong trường hợp đưa các bác sĩ trẻ về tuyến huyện lần này, chúng ta có cân nhắc đến việc cung và cầu hay không. Ví dụ các địa phương họ thiếu bác sĩ ở chuyên khoa này thì chúng ta sẽ cử người xuống chuyên khoa đó, điều này chúng ta có cân nhắc hay không?

Ông Phạm Văn Tác: Qua khảo sát 20 tỉnh với 63 huyện nghèo thì hiện nay các tỉnh có đề xuất khoảng 17 chuyên khoa. Việc đầu tiên, chúng tôi phải khớp cung cầu giữa nhu cầu của địa phương tuyến huyện, ví dụ ở đó cần bác sĩ ngoại, chúng tôi sẽ trao đổi với các bác sĩ trẻ đồng ý đi ngoại tiếp theo sẽ đào tạo và tuyển chọn theo hướng ngoại khoa.

Các địa phương cũng cần phải đầu tư trang thiết bị, các trang thiết bị cần thiết tối thiểu cho các phòng khám, ví dụ ngoại khoa và xây dựng cơ sở nhà xưởng.

Tuy nhiên, chỗ nào đã có điều kiện về trang thiết bị Bộ Y tế mới triển khai đưa bác sĩ tình nguyện tới. Địa phương nào chưa có thì phải tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế để thực hiện việc này được tốt hơn.

Hôm nay, chuẩn bị tới ngày 27/2 ngày Thầy thuốc Việt Nam, tôi cũng xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội các bộ ngành TW và 63 tỉnh thành cùng toàn bộ người dân, đặc biệt là Đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho Bộ Y tế phát triển trong thời gian vừa qua.

Cũng xin chúc các bác sĩ trẻ, các bác sĩ tình nguyện trong giai đoạn tới và tất cả các cán bộ y tế. Chúng ta cũng yên tâm và cố gắng tu luyện cả về y đức, y thuật để có trình độ chuyên môn vững chắc, có thái độ tốt hơn để phục vụ người dân.

Chúng tôi cũng mong muốn toàn xã hội sẽ giám sát, đóng góp xứng đáng của người thầy thuốc Việt Nam giúp cho người dân chúng ta được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và nâng cao sức khỏe một cách tốt nhất.

BTV: Xin chân thành cảm ơn ông, thay mặt những người làm truyền hình kính chúc Bộ Y tế và các bác sĩ trẻ ngày càng phát triển hơn nữa để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người dân.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước