Hơn 8 năm tồn tại với cuộc sống cũng là chừng ấy năm bé Đức chịu sự hành hạ của bệnh tật lên tấm thân mỏng manh, gầy yếu. Nếu như bạn bè cùng trang lứa của em được cắp sách tới trường, được học chữ, được vui đùa, nhảy múa, tận hưởng niềm vui trong vòng tay yêu thương của thầy cô, bạn bè thì ngược lại em đang đấu tranh với căn bệnh hiểm nghèo để giành giật lấy sự sống từng ngày. Tuổi thơ của em cứ lặng lẽ trôi qua trên chiếc giường chật hẹp, trong vô thức.
Từ lúc sinh ra, Đức đã mang trên mình căn bệnh bại não và phải nằm một chỗ. Hàng ngày em luôn phải chịu đựng những cơn co giật, đau nhức nhối. Cứ mỗi lần lên cơn là tấm thân gầy khô của bé Đức cứ giật liên hồi, thở từng hơi khó nhọc, khuôn mặt tái nhợt. Người em bây giờ chỉ còn lại da với xương, chân tay teo tóp vì bao phen chịu đựng sự hành hạ của bệnh tật. 8 năm qua, em chưa bao giờ được ngủ ngon giấc, hễ nhắm mắt vài phút là mình em cứ co rúm lại.
Bệnh tật cứ đẩy bé Đức đến gần hơn với cái chết nhưng ba, mẹ em cũng không còn cách nào cứu chữa. Đã mấy năm ròng đưa con đi hết bệnh viện tuyến tỉnh lẫn Trung ương, khánh kiệt cả tài sản nhưng đôi vợ chồng nghèo cũng chỉ biết ôm con về trong sự cay đắng, ngậm ngùi.
‘ Mang trên mình căn bệnh bại não bẩm sinh, 8 năm qua bé Đức luôn chịu sự hành hạ về thể xác
Về tiểu khu Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình hỏi nhà đôi vợ chồng nghèo Phan Xuân Quỳnh và Hoàng Thị Mai, ai cũng biết. Có người nắm tường tận bệnh tật của bé Phan Tiến Đức, chia sẻ: “Tội nghiệp lắm chú ơi, cháu mới 8 tuổi đã mắc bệnh bại não và nằm liệt một chỗ. Vợ chồng anh Quỳnh đã đưa cháu đi khám rất nhiều bệnh viện rồi nhưng không thể chữa khỏi”. Tìm đến nhà lúc trời đã quá trưa, trước mắt tôi là một bé trai gầy khô, hốc hác đang vất vả uống từng chút sữa trong sự khó nhọc. Chốc lát, giọt sữa trong miệng lại trào ra ướt cả mình mẩy. Nhìn đôi chân, tay nhỏ xíu, trơ xương của em mà lòng chúng tôi như thắt lại.
Ngồi ôm đứa con tội nghiệp vào lòng, người mẹ nghèo cũng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong cho dù ruột gan chị như có từng vết dao cứa vào. Chị Mai tâm sự: Sức khỏe cháu Đức yếu lắm, hễ ăn vào là lại nôn ra. Lúc nãy đến giờ mà hộp sữa vẫn chưa hết, tui đã cố gắng đủ mọi cách mà cháu cứ ói ra ngoài. Chính vì không ăn uống được nhiều nên bé Đức chỉ nặng được 8kg, bằng với tuổi đời của bé.
Chị Mai kể tiếp: Cháu Đức bị mắc căn bệnh bại não bẩm sinh nên không còn cách gì chữa khỏi. Đã mấy lần đưa cháu đi viện nhưng do không có tiền phẫu thuật nên cũng bất lực đưa con về nhà. Ngay cả thuốc thang điều trị cho cháu, vợ chồng tui vẫn phải đi mua nợ thì lấy đâu ra tiền mà phẫu thuật bây giờ. Không chỉ vậy, cả 2 anh em Đức đều gặp phải chứng máu không đông, mỗi lần bị thương là máu chảy rất nhiều, khó cầm nổi.
Vợ chồng anh Quỳnh, chị Mai sinh được 3 người con. Cháu gái đầu là Phan Thị Hoài, chỉ học xong lớp 9 rồi phải bỏ học giữa chừng để ở nhà đỡ đần công việc cùng ba, mẹ. Cháu thứ 2 là Phan Tiến Đạt, hiện đang học lớp 5, Đức là con trai út, mắc bệnh nặng từ 8 năm qua.
Cũng vì không có công việc ổn định nên cuộc sống của gia đình anh Quỳnh luôn rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”. Đã thế, cháu Đức lại bị bệnh khiến cuộc sống gia đình hết sức chật vật. Mới đây, anh chị đã nhận đi cạo nhựa cao su cho một người thân quen, mong muốn kiếm được đồng ra đồng vào để đảm bảo miếng cơm qua ngày. Thế nhưng, công việc cũng hết sức thất thường, ngày công ít ỏi, làm không đủ khoán cũng bị đền công.
Hàng đêm, khi thấy con đi ngủ, vợ chồng anh lại để cho đứa con gái lớn trông nom rồi dắt díu nhau lên rừng cạo nhựa. Đến sáng sớm, khi con tỉnh dậy, chị Mai phải có mặt ở nhà để chăm sóc cho con, sau đó mới theo chồng đi gom. Cứ thế, công việc cứ quần quật mà tiền công cũng không mấy dư dôi, thiếu thốn mọi bề.
Hai năm trở lại đây, bệnh bé Đức cứ ngày một nặng thêm mà anh chị không biết xoay xở đâu ra tiền lớn để đưa cháu đi trị bệnh. Nhiều khi thấy con quằn quại trong đau đớn, vợ chồng chị đã khóc rất nhiều mà không biết làm gì hơn. Đến đường cùng, anh Quỳnh đã phải cắt bán một khoảnh đất trước nhà được một ít tiền để đưa con đi nhập viện. Nhưng số tiền ấy cũng chẳng thấm vào đâu.
Anh Quỳnh, chị Mai lo lắng rằng nếu không có tiền đưa con đi phẫu thuật thì đến một ngày nào đó, cháu Đức sẽ kiệt sức rồi mất. Lúc đó, anh chị sẽ cảm thấy ân hận vô cùng vì sinh con ra mà không nuôi sống được con. “Tôi sợ lắm chú à, nhiều lúc tôi không muốn buông con khỏi vòng tay mình vì lỡ cháu rời xa vợ chồng tôi vĩnh viễn thì tui ân hận lắm. Không ai muốn bỏ rơi đứa con mình đã đứt ruột sinh ra hết. Có cách nào cứu giúp cháu lúc này không hả chú”. Tôi thầm hiểu nỗi lòng day dứt của chị Mai nhưng cũng đành chôn chặt sự ngậm ngùi vào trong lòng